Ba năm thực hiện Nghị quyết 120: Đầu tư phát triển thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nghị quyết 120 xác định trục sản phẩm chủ lực ĐBSCL là thủy sản – trái cây – lúa gạo, qua 3 năm thực hiện, Bộ NN&PTNT cho biết, tỷ trọng thủy sản trong cơ cấu nông nghiệp đã tăng từ 34% năm 2017 lên 42% năm 2020. Trong đó, có tác động tích cực của việc tập trung các nguồn vốn đầu tư phát triển thủy sản.

Sản xuất giống ba cấp

Điển hình là sản xuất giống cá tra. Bộ NN&PTNT phê duyệt, tổ chức thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/3/2018, tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Kết quả, tỉnh An Giang đã khuyến khích, kết nối các bên có liên quan và xây dựng được chuỗi liên kết cá tra 3 cấp trên tinh thần tự nguyện như sau:

Cấp 1 cung cấp cá tra bố mẹ là Viện Nghiên cứu NTTS II. Cấp 2 sản xuất cá tra bột là Trung tâm Giống thủy sản An Giang và 4 cơ sở sản xuất cá tra bột liên kết với Trung tâm. Cấp 3 gồm Chi hội sản xuất cá giống AFA (30 hội viên ở vùng nuôi ương tại huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú; tổng diện tích 200 ha; năng lực sản xuất 300 triệu con giống/năm); Chi hội sản xuất cá giống Châu Phú (16 hội viên ở vùng ương giống tại huyện Châu Phú, tổng diện tích 36 ha; năng lực sản xuất 50 triệu con giống/năm); Chi hội sản xuất cá giống Phú Thuận (8 hội viên ở vùng ương giống tại huyện Thoại Sơn; tổng diện tích 15 ha; năng lực sản xuất 20 triệu con giống/năm).

Con giống trong chuỗi được các doanh nghiệp như IDI, Nam Việt, Cửu Long, Lộc Kim Chi, Vĩnh Hoàn, Biển Đông… tiêu thụ trên nguyên tắc thỏa thuận giá mua bán.

Đầu tư hạ tầng sản xuất giống

Bộ NN&PTNT hỗ trợ tỉnh An Giang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tỉnh An Giang với nguồn vốn dự phòng 10% giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh An Giang đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng 4 vùng sản xuất giống cá tra trên địa bàn.

Cống Cái Bé xây dựng dưới lòng sông Cái Bé, tỉnh Kiên Giang giúp kiểm soát nguồn nước mặn, ngọt. Ảnh: ĐT

Vùng 1 tại xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu: Công ty CP Cá tra Việt – Úc

xây dựng vùng ương giống tập trung 100 ha bằng nguồn vốn của Công ty. Công ty đã tuyển chọn 3.500 con cá tra bố mẹ để phục vụ sản xuất giống, xây dựng 18 nhà màng (200 m2/nhà) để sản xuất giống thủy sản công nghệ cao.

Vùng 2 tại huyện Bình Phú: Công ty TNHH MTV NTTS Nam Việt Bình Phú xây dựng 450 ha (trên tổng diện tích 600 ha) khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao NTTS bằng nguồn vốn của Công ty. Ở đây, áp dụng công nghệ sản xuất giống của Israel, công nghệ nhà màng, công nghệ xử lý nước và bùn thải, vaccine, công nghệ 4.0… vào sản xuất giống cá tra.

Vùng 3 tại xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu: Công ty CP Vĩnh Hoàn đang thi công hệ thống ao ương cá, nuôi vỗ bố mẹ, kênh cấp thoát nước, nhà sản xuất, nhà kho… trên diện tích 48,3 ha để sản xuất cá hương, cá giống bằng vốn của Công ty.

Vùng 4 tại xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú: Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi đang khảo sát địa chất, địa hình phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng khu liên hợp sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm công nghệ cao, quy mô 350 ha cho bằng nguồn vốn của Công ty.

Thủy lợi phục vụ nuôi trồng và cảng cá

Từ nguồn vốn ngân sách, Bộ NN&PTNT đã đầu tư nhiều hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS ở vùng ĐBSCL. Có thể kế đến, hệ thống phục vụ NTTS Tân Duyệt (Cà Mau) có tổng mức đầu tư 202 tỷ đồng; Tâm Vụ Lộ (Cầu Ngang, Trà Vinh) 140 tỷ đồng; khu vực Tây đường tránh Long Xuyên (Long Xuyên, An Giang) 100 tỷ đồng; huyện Cao Lãnh và Châu Thành (Đồng Tháp) 94,9 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư đã hoàn thành, phát huy hiệu quả trong năm 2020.

Đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng cá phục vụ đội tàu khai thác biển để xây dựng nghề cá hiện đại, bảo vệ nguồn lợi cũng được quan tâm. Điển hình là nâng cấp, mở rộng Cảng cá Bình Đại (Bến Tre); Cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng); Cảng cá Gành Hào (Bạc Liêu), mỗi cảng có tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Nâng cấp Cảng cá Tắc Cậu (Kiên Giang) tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng.

Những dự án tác động liên tỉnh

Nhiều dự án lớn kiểm soát nguồn nước mặn – ngọt có giá trị hỗ trợ diện tích lớn NTTS được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang có tổng mức đầu tư 3.309 tỷ đồng; hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre 2.123 tỷ đồng; hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre 215 tỷ đồng; hệ thống thủy lợi tiểu vùng II, III, V Cà Mau 500 tỷ đồng; Dự án Tha La, cống Trà Sư (An Giang) 232 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn ODA có hai dự án lớn đang triển khai, dự kiến hoàn thành những năm sau 2021. Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL-WB9 có tổng mức đầu tư 8.577 tỷ đồng, triển khai từ năm 2016 dự kiến hoàn thành 2022; Dự án Quản lý nước Bến Tre JiCa3 tổng mức đầu tư 6.191 tỷ đồng, triển khai năm 2019 dự kiến hoàn thành năm 2024.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!