(TSVN) – Theo báo cáo kết luận của Sở NN&PTNT Cà Mau, chất lượng nước nuôi thủy sản vẫn đảm bảo nhưng có nhiều ký sinh trùng gây bệnh trong bùn. Các mẫu cua chết đều có nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ.
Sở NN&PTNT Cà Mau xác định, đây là loài giáp xác đã từng tấn công làm chết hàng loạt cua nuôi của nông dân Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình và hiện chưa có thuốc đặc trị.
Trong hơn hai tháng qua, cua nuôi của nông dân các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân có hiện tượng chết hàng loạt, với các biểu hiện vỏ mềm, thịt óp, có ký sinh trùng bám. Nhiều con bắt lên khỏi mặt nước chi run rẩy và chết sau vài giờ.
Nguyên nhân do thời gian gần đây, như thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ chênh lệch cao giữa ngày và đêm…, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại, ký sinh trùng phát triển. Ngoài ra, nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống xả thải của các đầm tôm siêu thâm canh, các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp thủy sản cũng là điều kiện khiến cua nuôi dễ nhiễm bệnh.
Hiện, Sở đã phát đi khuyến cáo nông dân nuôi cua ở Cà Mau cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa ký sinh trùng trong ao nuôi tôm cua. Để phòng ngừa ký sinh trùng trên ao nuôi tôm, cua, người nuôi cần cải tạo vuông nuôi triệt để, đúng quy trình kỹ thuật. Trước khi vào mùa vụ, thả giống, đặc biệt những vuông nuôi đã, đang có cua chết, cần phơi đầm, sử dụng vôi để cải tạo, diệt khuẩn, nấm, ký sinh trùng, giáp xác nhỏ trong ao nuôi.
Sử dụng nguồn nước đã được xử lý mầm bệnh để nuôi: Đối với vuông nuôi có diện tích lớn (tôm – rừng), cần chủ động bao ví bằng lưới mành khu ương nuôi, trước khi thả giống, sử dụng BKC, lodine,… để diệt mầm bệnh, sau đó sử dụng phân gây màu nước tạo thức ăn tự nhiên.