(TSVN) – Theo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường, hiện chất lượng nước vùng nuôi tôm hùm bắt đầu giảm. Để đảm bảo tôm nuôi sinh trưởng và phát triển, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản hướng dẫn các địa phương và người nuôi.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay chất lượng môi trường nước vùng nuôi tôm hùm bắt đầu giảm. Đặc biệt vào cuối tháng 2 và tháng 3/2021, hàm lượng N-NH4+ tăng ở các điểm quan trắc tại vùng nuôi tôm hùm Sông Cầu (Phú Yên) từ 1,1 – 1,3 lần giá trị cho phép; hàm lượng ôxy hòa tan (DO) giảm cục bộ; một số loài tảo có khả năng gây hại cho tôm hùm nuôi đã được phát hiện (Peridinium sp., Noctiluca sp.); mật độ vi khuẩn Vibrio spp. tăng cao hơn so tháng 1/2021. Dự báo từ tháng 4 – 7/2021 (đặc biệt vào thời điểm giao mùa từ tháng 4 – 5/2021), các yếu tố môi trường tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm hùm nuôi.
Để thúc đẩy phát triển nuôi tôm hùm một cách bền vững, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT nông thôn các tỉnh, thành ven biển Nam Trung bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức xác nhận đăng ký nuôi lồng bè, cấp phép nuôi biển; tổ chức rà soát, bố trí đảm bảo mật độ lồng nuôi phù hợp, đúng kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương. Tuân thủ các khuyến cáo tại các bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường của Viện Nghiên cứu NTTS III và các hướng dẫn kỹ thuật kèm theo.
Cùng đó, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn của địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường; phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước ảnh hưởng đến vùng nuôi. Khi phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu bất thường cần hướng dẫn biện pháp xử lý khắc phục kịp thời. Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi khác. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chăm sóc, quản lý tôm nuôi.