Vì một ngành tôm bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, cùng với sự đầu tư bài bản hơn về hạ tầng nuôi, quy trình kỹ thuật, thì sự bùng nổ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giúp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm tôm của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Mặc dù, dư địa phát triển ngành hàng này còn rất lớn, nhưng để hướng đến sự bền vững rất cần hóa giải những thách thức và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cùng lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia, doanh nghiệp, người trong cuộc xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Quốc Toản

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Tăng cường nguồn lực phát triển tôm

Năm 2021, Cục tiếp tục tổ chức các chuỗi sự kiện, hội chợ, đưa mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm chế biến đi các nước giới thiệu, quảng bá nhằm tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, sẽ tổ chức sự kiện đưa hàng từ phía Nam ra Bắc tiêu thụ, nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Cùng đó, đề nghị các doanh nghiệp và người nuôi cùng thực hiện trách nhiệm về truy xuất nguồn gốc, hài hòa các chứng nhận quốc tế về xuất khẩu tôm. Cơ quan quản lý sớm hoàn thành việc cấp mã số vùng nuôi. Các doanh nghiệp phải tập trung tăng quy mô chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Cần tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển tôm nuôi, nhất là xây dựng các khu, vùng nuôi tôm tập trung, ứng dụng công nghệ, nuôi siêu thâm canh để giảm rủi ro và gia tăng sản lượng. Nhà nước cần tái khởi động lại chương trình bảo hiểm cho nghề nuôi tôm.

Ông Lê Văn Quang

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao 2-3-4 của Minh Phú đã tạo ra sản phẩm mang trong mình những giá trị vượt trội như: an toàn, giàu dinh dưỡng, vị thơm ngon, màu sắc đẹp và giá cả phù hợp với số đông người tiêu dùng toàn cầu; điều này giúp Tập đoàn tự hào khi giới thiệu sản phẩm của mình đến thị trường thế giới. Hiện nay doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đang gặp không ít bất cập cần tháo gỡ. Thứ nhất là giá cước vận tải tăng quá cao trong thời gian gần đây, mỗi container đi EU loại 20 tấn đã tới 7.000 - 8.000 USD, trong khi hồi tháng 6/2020 chỉ 1.200 - 1.500 USD; loại 40 tấn tới 8.000 - 10.000 USD, tháng 6/2020 là 1.500 - 1.800 USD. Lại thiếu trầm trọng container rỗng nên ách tắc xuất khẩu, một lượng lớn tôm chế biến xong phải cất kho. Thứ hai là thiếu nguyên liệu trầm trọng, sản lượng tôm nuôi trong nước chỉ đáp ứng 30 - 50% công suất nhà máy. Thứ ba là thiếu lao động có tay nghề.

Ông Lâm Văn Mẫn

Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng

Khuyến khích, nhân rộng mô hình nuôi tôm mới

Để đảm bảo thắng lợi vụ tôm năm 2021, ngành nông nghiệp cần tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch vụ nuôi với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ như: Tiếp tục và đổi mới công tác tuyên truyền một cách hiệu quả nhất cả về nội dung lẫn hình thức; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, trong đó chú trọng khuyến khích nhân rộng các mô hình nuôi mới có hiệu quả; tăng cường quản lý vật tư đầu vào bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị và sản xuất đạt chuẩn theo yêu cầu thị trường; quan tâm chú trọng công tác quan trắc môi trường, dịch bệnh để có khuyến cáo và giải pháp phòng trị kịp thời. Bên cạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng thị trường xuất khẩu, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp...

Ông Boonlap Watcharawanitchakul

Phó TGĐ cấp cao C.P. Việt Nam

Đẩy mạnh chuyển giao mô hình CPF-Combine

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao CPF-Combine có thể nói là một trong những niềm tự hào lớn nhất mà C.P đã phát kiến. Tính đến hết tháng 12/2020 trên cả nước đã xây dựng được 12.600 ao. Ngoài sự lan tỏa về bề rộng thì thành công lớn nhất của mô hình CPF-Combine đó là giúp cho người đầu tư nuôi được tôm kích cỡ lớn, năng suất và lợi nhuận cao, đồng thời cung ứng nguồn tôm nguyên liệu sạch cho thị trường. Cũng phải kể tới là trong năm qua, chúng tôi đã có những khách hàng chinh phục được tôm kích cỡ lớn 15 con/kg và thu lợi nhuận hấp dẫn. Những thành công này xuất phát từ chiến lược đúng đắn mà C.P. Việt Nam đã đề ra. Năm 2021 và các năm tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao mô hình CPF-Combine nhiều hơn nữa đến những bà con nuôi tôm trên mọi miền theo định hướng nuôi tôm kích cỡ lớn - lợi nhuận cao.

Ông Hồ Quốc Lực,

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta

Nhiều dư địa phát triển cho tôm Việt

Thông qua sự tương tác của các mắt xích và nhìn trên diện rộng có thể thấy, ngành tôm Việt đang vào giai đoạn thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời là từ COVID-19 cho ngành tôm Việt cơ hội bứt phá vì các đối thủ lớn đang khó khăn. Địa lợi là các mắt xích chuỗi giá trị con tôm đang chung tay chia sẻ tốt nhất so trước đây và trên đà tiến triển. Nhân hòa là Chính phủ, các bộ, ngành ngày càng quan tâm hơn con tôm, có sự đầu tư và hỗ trợ kịp thời, tốt hơn. Do vậy, từ cơ hội do COVID-19 mang lại, cộng với sự chuẩn bị từ Chính phủ, bộ, ngành; sự tham gia chia sẻ của các mắt xích chuỗi giá trị con tôm sẽ là cơ hội vàng để ngành tôm tôm Việt bứt phá, là cơ hội để chung tay nâng tầm tôm Việt.

Ông Trương Đình Hòe

Tổng Thư ký VASEP

Ổn định chất lượng và truy xuất nguồn gốc

Hiện nay, nguồn tôm cung cấp cho thế giới tập trung nhiều ở châu Á với các thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Ngành tôm Việt Nam được đánh giá đang đi trước Ấn độ trong mặt hàng tôm chế biến và vẫn giữ được ưu thế, tính cạnh tranh tốt trên trường quốc tế. Tuy nhiên, với những bất ổn thị trường khó đoán như năm qua, để ngành này tiếp tục phát triển thì các doanh nghiệp vẫn cần phải thận trọng về giá thành và chất lượng. Ổn định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc là những vấn đề phải lưu ý trong việc xuất khẩu. Doanh nghiệp và người nuôi cần khéo léo áp dụng những công nghệ mới nhất để sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Trên cơ sở đó, có thể tính được giá thành ở mức cạnh tranh; tức là phải quan tâm đến chuỗi cung ứng đồng bộ để giảm chi phí sản xuất ở mức tối ưu. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần phải có phương án bảo vệ người nuôi, kiểm soát các nhà thu mua đến vùng nuôi nhằm tránh rủi ro cho người nông dân.

Ông Lê Thế Xuân

Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Trúc Anh

Đột phá từ công nghệ sinh học

Công nghệ sinh học đang là một hướng nghiên cứu rất thực tiễn, đem lại hiệu quả thực sự; đặc biệt là với Trúc Anh, sản xuất vi sinh chế phẩm sinh học phục vụ NTTS là một lĩnh vực kinh doanh mới và thực sự rất nhiều tiềm năng. Trong quá trình Trúc Anh chinh phục bà con nông dân, tư vấn nuôi tôm sạch, định hướng bà con sử dụng các chế phẩm sinh học để thay đổi tập tục nuôi tôm truyền thống, đem lại nguồn lợi lớn hơn cho bà con; Công ty đã nhìn thấy bà con thực sự rất vui mừng khi hiểu ra giá trị mang lại của những ứng dụng khoa học công nghệ đối với đời sống của họ. Theo đó, cần phải quảng bá nhiều hơn cho bà con tiếp cận với chế phẩm sinh học, nuôi tôm “sạch” hơn, xây dựng hình ảnh cộng đồng người nông dân nuôi tôm Việt Nam hiện đại, thông thái.

Samson Li

Giám đốc điều hành Grobest Feed

Tôm Việt Nam có sự tăng trưởng tốt

Nguồn cung tôm từ Việt Nam không bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thị trường nội địa lớn mạnh và nhu cầu từ thị trường nhập khẩu vẫn được duy trì tốt. Ngoài ra, kiểm soát đại dịch  COVID-19 nghiêm ngặt cộng với chính sách phong tỏa hợp lý cũng giảm thiểu gián đoạn nguồn cung. Tuy vậy, tổng sản lượng tôm của Việt Nam vẫn giảm từ 630.000 tấn vào năm 2019 xuống 570.000 tấn vào năm nay. Nhưng lâu dài, ngành tôm Việt Nam được dự báo tăng trưởng tốt với sản lượng cao hơn nhờ theo đuổi mô hình nuôi thâm canh suốt hơn 2 năm qua.

 

Nhóm PV (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!