Hủy bỏ hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu ECOMIX của BZT USA

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 9/4/2021, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN có quyết định hủy bỏ hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu ECOMIX của Công ty TNHH BZT USA (Công ty BZT USA). Quyết định do Cục trưởng Đinh Hữu Phí ký, sau thời gian xem xét giải quyết theo đề nghị của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiêu chuẩn sinh học Vĩnh Thịnh (Công ty Vĩnh Thịnh).

Nội dung Quyết định

“Điều 1. Hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNH số 334397 bảo hộ nhãn hiệu “ECOMIX” đối với các sản phẩm “Chế phẩm xử lý nước ao và hồ nuôi thủy sản; chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước thuộc nhóm 01 và các dịch vụ “Mua bán, xuất nhập khẩu: chế phẩm thú y thủy sản, thuốc dùng cho thú y thủy sản, chế phẩm sinh học dùng cho ngành y và thú y thủy sản, chế phẩm xử lý nước ao và hồ nuôi thủy sản, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước, thức ăn cho tôm cá” thuộc nhóm 35 của Công ty TNHH BZT USA”. 

Quyết định dựa trên các nhận định, đánh giá sau: Công ty Vĩnh Thịnh đã cung cấp tài liệu thể hiện nhãn hiệu “ECO-MIX” cho sản phẩm “Khoáng và Enzyme khắc phục cong thân, đục cơ giúp tôm cứng vỏ” được Công ty Vĩnh Thịnh sử dụng và được thừa nhận rộng rãi trên thị trường Việt Nam trước ngày Công ty BZT USA nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “ECOMIX”.

Nhãn hiệu “ECOMIX” tương tự về cấu tạo từ và trùng về cách phát âm với nhãn hiệu “ECO-MIX”. Các sản phẩm “Chế phẩm xử lý nước ao và hồ nuôi thủy sản; chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước thuộc nhóm 01 và các dịch vụ “Mua bán, xuất nhập khẩu: chế phẩm thú y thủy sản, thuốc dùng cho thú y thủy sản, chế phẩm sinh học dùng cho ngành y và thú y thủy sản, chế phẩm xử lý nước ao và hồ nuôi thủy sản, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước, thức ăn cho tôm cá” thuộc nhóm 35 của nhãn hiệu “ECOMIX” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 334397 cho Công ty BZT USA tương tự với sản phẩm mang nhãn hiệu “ECO-MIX” đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi từ trước của Công ty Vĩnh Thịnh do các sản phẩm, dịch vụ nêu trên có mối liên quan với nhau về bản chất hoặc được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại.

Từ các nhận định và đánh giá trên, Cục Sở hữu trí tuệ thấy đề nghị của Công ty Vĩnh Thịnh về hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNH số 334397 bảo hộ nhãn hiệu “ECOMIX” đối với các sản phẩm thuộc nhóm 01 và các dịch vụ thuộc nhóm 35 cấp cho Công ty BZT USA là có cơ sở. 

Đơn của Công ty Vĩnh Thịnh

Công ty Vĩnh Thịnh gửi đơn ngày 23/6/2020. Theo đơn, Công ty Vĩnh Thịnh tiền thân là Công ty Cổ phần Kinh doanh Vật tư nông lâm thủy sản Vĩnh Thịnh thành lập ngày 13/12/2000 đến năm 2009, liên doanh với Công ty Biostadt (Ấn Độ) thành lập Công ty Vĩnh Thịnh để kế thừa và phát triển các lĩnh vực kinh doanh. Như vậy, Công ty Vĩnh Thịnh đã hoạt động và phát triển gần 20 năm trong lĩnh vực vật tư nuôi trồng thủy sản. Quá trình hoạt động, Công ty Vĩnh Thịnh chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật có chất lượng cao, 4 lần được Bộ NN&PTNT trao tặng danh hiệu “Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam” vào năm 2009, 2012, 2014, 2017. 

Nhãn hiệu “ECO-MIX” Công ty Vĩnh Thịnh liên tục sử dụng và được thừa nhận rộng rãi cho sản phẩm “Khoáng và Enzyme khắc phục cong thân, đục cơ giúp tôm cứng vỏ”. Cùng với các nhãn hiệu khác, nhãn hiệu “ECOMIX” đã được Công ty Vĩnh Thịnh gắn lên các sản phẩm, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch.

Công ty Vĩnh Thịnh trình bày một số sản phẩm bị Công ty BZT USA và Công ty Rocky Việt Nam copy để đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời quảng cáo trên website

Sản phẩm “Khoáng và Enzyme khắc phục cong thân, đục cơ giúp tôm cứng vỏ” mang nhãn hiệu “ECO-MIX” được Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT công nhận, cấp phép lưu hành. Số lượng sản phẩm mang nhãn hiệu “ECO-MIX” được Công ty Vĩnh Thịnh ký hợp đồng phân phối với các đại lý trên toàn quốc từ năm 2015 là 44.532 sản phẩm. Sản phẩm mang nhãn hiệu “ECO-MIX” đã được chào bán, quảng cáo trên tài liệu “Công nghệ hiện đại – Giá trị cao – Lợi nhuận tối ưu” năm 2014 và trên website (vinhthinhbiostadt.com) của Công ty Vĩnh Thịnh với số lượng gần 9 triệu người truy cập tính đến ngày 10/6/2020.

Trong lúc, Công ty BZT USA thành lập ngày 20/1/2011 và nhãn hiệu “ECOMIX” đăng ký ngày 19/5/2017. 

Công ty Vĩnh Thịnh trình bày một số sản phẩm bị Công ty BZT USA và Công ty Rocky Việt Nam copy để đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời quảng cáo trên website

Đơn của Công ty Vĩnh Thịnh nhấn mạnh: Nhãn hiệu “ECO-MIX” được sử dụng rộng rãi của Công ty Vĩnh Thịnh và nhãn hiệu “ECOMIX” bị đề nghị hủy bỏ hiệu lực tương tự về mặt cấu tạo và phát âm. Còn sản phẩm “Chế phẩm xử lý nước ao và hồ nuôi thủy sản; chế phẩm sinh học xử lý môi trường” mang nhãn hiệu bị đề nghị hủy bỏ hiệu lực và “Chế phẩm sinh học giúp tôm và cá hấp thụ thức ăn” mang nhãn hiệu “ECO-MIX” của Công ty Vĩnh Thịnh là tương tự nhau do cùng chỉ số sản phẩm hóa chất, chế phẩm sinh học cho thủy sản. Do đó, hai nhãn hiệu nêu trên tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau. Trong khi các sản phẩm “Khoáng và Enzyme khắc phục cong thân, đục cơ giúp tôm cứng vỏ” mang nhãn hiệu “ECO-MIX” của Công ty Vĩnh Thịnh đã và đang được sử dụng rộng rãi và có uy tín trên thị trường thì Công ty BZT USA mới tiến hành đăng ký nhãn hiệu “ECOMIX”.

Bằng chứng cung cấp

Theo Công ty Vĩnh Thịnh, ngoài việc đăng ký nhãn hiệu “ECOMIX”, Công ty BZT USA còn cố ý đăng ký hàng loạt các nhãn hiệu của Công ty Vĩnh Thịnh đã sử dụng rộng rãi trước đó cũng như các nhãn hiệu của công ty khác. Cụ thể, Công ty BZT USA đăng ký 13 nhãn hiệu của Công ty Vĩnh Thịnh đã đăng ký lưu hành đầu tiên từ các năm 1999, 2000, 2007, 2012, 2013, 2014, 2016, 2017 và liên tục đến nay; thêm 2 nhãn hiệu đã đăng ký lưu hành đầu tiên và liên tục đến nay của Công ty TNHH Sitto Việt Nam.

Đáng lưu ý là trong khi Công ty BZT USA (www.bztusa.vn) có địa chỉ nhà máy tại Lô số 01, khu H, đường N7, khu công nghiệp An Hạ, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh thực hiện đăng ký nhãn hiệu, thì Công ty Cổ phần Rocky Việt Nam (www.rockyvietnam.com) cũng có địa chỉ sản xuất tại Lô số 01, khu H, đường N7, khu công nghiệp An Hạ, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh lại thực hiện việc đăng ký giấy phép lưu hành với Tổng cục Thủy sản.

Hơn nữa, Công ty BZT USA (tiền thân là Công ty TNHH Đất Việt – thành lập năm 2002, địa chỉ tại lô số 01, khu H, đường N7, khu công nghiệp An Hạ, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đã có lịch sử lấy nhãn hiệu “BZT” của Công ty TNHH Công nghệ sinh học A.T.C. Nhãn hiệu “BZT” là tranh chấp của nhiều doanh nghiệp, trong đó Công ty TNHH Đất Việt được nhắc đến. Kết quả, ngày 15/7/2016, nhãn hiệu “BZT” đã được cấp GCNĐKNH cho Tập đoàn BIO-FORM L.L.C (BFL) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học A.T.C là nhà phân phối độc quyền nhãn hiệu “BZT” tại Việt Nam.

Cả 3 công ty gồm Công ty BZT USA, Công ty cổ phần Rocky Việt Nam và Công ty TNHH Đất Việt có cùng địa chỉ kinh doanh hay địa chỉ nhà máy và đều do một người làm chủ là ông Nguyễn Đỗ Thanh Lân. Theo đơn của Công ty Vĩnh Thịnh thì “có thể thấy, Công ty BZT USA (và các công ty cùng một chủ) đã có lịch sử sử dụng nhãn hiệu của người khác và có ý đồ đăng ký các nhãn hiệu không trung thực”.

Cục Sở hữu trí tuệ cho biết thêm, sau khi nhận đơn của Công ty Vĩnh Thịnh, Cục đã có công văn số 9726/SHTT-TTKN ngày 23/7/2020 thông báo cho Công ty BZT USA biết. Ngày 22/9/2020, Công ty BZT USA có công văn số 26/2020/VB gia hạn trả lời thêm 2 tháng. “Tuy nhiên, cho đến nay đã quá thời gian gia hạn nhưng Cục Sở hữu trí tuệ không nhận được ý kiến trả lời của Công ty BZT USA”, Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ.

Tạp chí Thủy sản Việt Nam số ra ngày 16/6/2020 đã phản ánh vấn đề qua bài “Ngành tôm: Nhức nhối sản phẩm nhái”. Theo đó, chiều 28/5, làm việc với Tổng cục Thủy sản và Hội Nghề cá Việt Nam về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề thuơng hiệu sản phẩm, đại diện một số doanh nghiệp bức xúc nêu lên tình trạng copy sản phẩm gốc của thương hiệu nổi tiếng (dân dã gọi là “nhái”) để trục lợi, gây hại cho người nuôi tôm và toàn ngành.

Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Tổng cục Thủy sản có những thay đổi kịp thời, kiện toàn hệ thống văn bản để hạn chế tình trạng doanh nghiệp làm ăn chân chính bị lợi dụng, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh chính đáng phát triển.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân hoan nghênh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đưa ra những cảnh báo về hoạt động trục lợi của nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thủy sản hiện nay.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!