(TSVN) – Theo một số doanh nghiệp thu mua tôm hùm ở Khánh Hòa, hiện tôm hùm chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Giá tôm vẫn giữ ở mức cao, ổn định, bởi nguồn cung vừa phải và hoạt động xuất khẩu diễn ra bình thường, không bị trở ngại.
Người nuôi tôm hùm tại TP Cam Ranh cho biết, những tháng đầu năm nay có thời điểm giá tôm hùm lên đến 1,2 triệu đồng/kg (loại 3 con/kg). Tuy nhiên, đến đầu tháng 4, giá tôm hạ xuống còn 800.000 đồng/kg (mua xô) và duy trì mức này cho đến nay.
Chủ tịch UBND xã Cam Bình Nguyễn Ân cho biết, hiện toàn xã vẫn duy trì thả gần 10.000 lồng, chủ yếu nuôi tôm xanh. Ông Ân xác nhận, từ đầu năm đến nay giá tôm hùm ổn định, đảm bảo người nuôi có lãi.
Tuy nhiên, theo người nuôi tôm hùm bông ở huyện Vạn Ninh, việc xuất bán tôm thịt của bà con không nhiều. Do năm ngoái ảnh hưởng dịch bệnh COIVD-19 nên người nuôi không dám thả mạnh.
Ảnh minh họa
Một công ty thu mua tôm hùm xuất sang thị trường Trung Quốc ở TP Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết từ đầu năm đến nay, giá tôm hùm các loại được các doanh nghiệp thu mua ổ định ở mức trung bình 800.000 đồng/kg (tôm xanh) nên đảm bảo người nuôi có lời. Lượng tôm hùm thịt thời gian qua được doanh nghiệp thu mua đều từ 2 – 3 xe, trọng lượng từ 5 – 6 tấn tôm hùm cung cấp cho thị trường Trung Quốc.
Các thương lái nhận định dự kiến trong thời gian tới nguồn cung sẽ giảm bởi sản lượng tôm thịt không còn dồi dào và giá tôm hùm tiếp tục giữ ở mức ổn định.
Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có trên 40.000 lồng nuôi tôm hùm; sản lượng tôm thịt bình quân mỗi năm khoảng 1.300 tấn. Hiện nay, việc xuất khẩu tôm hùm trên địa bàn sang thị trường Trung Quốc vẫn bình thường, giá cả thu mua ổn định và nguồn cung vừa phải.
Để việc nuôi và xuất bán tôm hùm thuận lợi trước tình hình dịch bệnh COVID-19, ngành thủy sản Khánh Hòa khuyến cáo người dân thả nuôi với mật độ vừa phải, không ồ ạt. Cụ thể, nuôi theo kiểu cuốn chiếu để thu hoạch lai rai trong năm, bán được giá và tránh tình trạng bị thừa sản lượng.
Đồng thời, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa sẽ tiếp tục hướng dẫn người nuôi theo đúng quy hoạch của tỉnh và có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý. Đồng thời áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Cùng với đó hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để hình thành chuỗi liên kết với doanh nghiệp từ cung cấp đầu vào cho đến đầu ra tiêu thụ ổn định.