(TSVN) – Mặc dù Mỹ là tâm dịch COVID-19 của thế giới, nhưng dữ liệu thương mại thủy sản từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy, nhập khẩu tôm của nước này vẫn tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm 2021. Nhu cầu tiêu thụ tôm của người dân Mỹ không có dấu hiệu dừng lại trong năm nay, nhưng vị trí các nguồn cung lớn nhất đang có xu hướng thay đổi.
Theo NOAA, tháng 1/2021, Mỹ nhập khẩu 69.653 tấn tôm, trị giá 601,6 triệu USD; tăng 7% về lượng và 6% về giá trị so tháng 1/2020. Giá nhập khẩu trung bình của Mỹ ở mức 8,64 USD/kg, giảm 1% so mức 8,69 USD/kg vào tháng 1/2020 và giảm 3% so mức 8,89 USD/kg vào tháng 12/2020.
Tháng 2/2021, Mỹ nhập khẩu tổng cộng 52.093 tấn tôm, trị giá khoảng 450,8 triệu USD; tăng 3% về khối lượng và 3% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Trung bình, Mỹ mua mỗi kg tôm nhập khẩu với giá 8,52 USD (tương đương 196.500 đồng), giảm 1 cent so giá ghi nhận hồi tháng 2/2020 và giảm 1% so mức 8,64 USD/kg (tương đương 199.000 đồng/kg) hồi tháng 1/2021.
Tháng 3/2021, Mỹ nhập khẩu 62.868 tấn tôm, trị giá 525,6 triệu USD; tăng 22% về lượng và 19% về giá trị so tháng 3/2020 – tháng đầu tiên mà đại dịch tấn công ở Mỹ vào năm ngoái. Giá trung bình nhập khẩu đã giảm xuống còn 8,36 USD/kg, giảm 2% so mức 8,51 USD/kg vào tháng 3/2020 và 8,52 USD/kg vào tháng 2/2021. Tháng 3 là tháng thứ 4 liên tiếp lượng tôm nhập khẩu tăng so cùng kỳ năm trước, dù đang trong thời kỳ đại dịch. Theo đó 3 tháng đầu năm 2021, Mỹ nhập khẩu 184.852 tấn tôm, tăng hơn so 168.158 tấn cùng kỳ năm 2020.
Tháng 3/2021, Ấn Độ xuất khẩu 19.673 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 168,6 triệu USD; giảm 1% về lượng và 1% về giá trị, đánh dấu tháng giảm thứ 3 liên tiếp của Ấn Độ trong năm 2021. Ba tháng đầu năm 2021, Mỹ nhập khẩu 67.076 tấn tôm từ Ấn Độ, trị giá 577,1 triệu USD; giảm hơn 3% so quý I/2020. Mặc dù vậy, Ấn Độ vẫn là nhà cung cấp tôm lớn nhất của thị trường Mỹ.
Tuy nhiên hiện nay ngành tôm Ấn Độ đang phải đứng trước nhiều thách thức lớn. Do các ca nhiễm virus corona gia tăng, giá TTCT ở Andhra Pradesh – bang nuôi tôm lớn nhất của Ấn Độ giảm mạnh. Do có nhiều nông dân lo sợ về một đợt phong tỏa nữa, rút kinh nghiệm năm ngoái, đã tiến hành thu hoạch sớm một phần sản lượng và bán hạ giá. Bên cạnh đó, ngành tôm tự nhiên nội địa Mỹ đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden mở rộng hành động thương mại theo điều khoản 301 chống lại Ấn Độ, để áp dụng mức thuế 2% đối với gần như toàn bộ sản phẩm tôm nước ấm của Ấn Độ nhập khẩu vào Mỹ. Nếu chính quyền Mỹ làm theo đề xuất, ngành tôm Ấn Độ sẽ “khó chồng khó”.
Indonesia vẫn giữ vững vị trí là nhà cung cấp tôm lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ, khi đã xuất khẩu 41.890 tấn tôm trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng hơn so 25.983 tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Ecuador đang tiếp tục tăng tiến trong chuỗi cung ứng tôm trên thị trường Mỹ. Tháng 2/2021, Ecuador xuất khẩu 11.210 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 72,5 triệu USD; tăng lần lượt 29% về khối lượng và 36% về giá trị so tháng 2/2020. Cú nhảy vọt đã giúp Ecuador lần nữa vượt Indonesia để trở thành nhà cung ứng tôm lớn thứ 2 của Mỹ trong 1 tháng, lặp lại kỳ tích đạt được hồi tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, tính theo tổng khối lượng xuất khẩu tôm 3 tháng đầu năm 2021 sang Mỹ, thì Ecuador vẫn chỉ xếp ở vị trí thứ 3 với tổng khối lượng xuất khẩu đạt 35.497 tấn tôm, tăng hơn so 25.983 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Dù đang phải trải qua đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất, Ecuador vẫn có thể liên tục tăng sản lượng tôm – mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của đất nước sau dầu mỏ – và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng mạnh sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cho Mỹ và châu Âu.
Jose Antonio Camposano, Chủ tịch điều hành Phòng NTTS Ecuador cho biết, các nhà xuất khẩu tôm nước này đã học cách vận hành “theo một quy tắc bình thường mới”, nhờ đã có kinh nghiệm trong năm qua, trong việc quản lý đại dịch, để tránh các vấn đề rủi ro trong hoạt động và logistics. Camposano thừa nhận, việc gia tăng các trường hợp COVID-19 trong nước, sẽ gây khó khăn trong logistics và làm tăng nhẹ chi phí cho các nhà chế biến, tuy nhiên sản lượng dự kiến sẽ không giảm. Doanh số bán lẻ bùng nổ ở Mỹ và châu Âu, đã cho phép ngành tôm của nước này tiếp tục phát triển và giúp ngành này có thể cạnh tranh với các nước sản xuất lớn khác như Ấn Độ.
Một sự gia tăng đáng chú ý khác là việc Mỹ tăng cường nhập khẩu tôm đỏ Argentina, với 1.192 tấn, trị giá 12,9 triệu USD vào tháng 3/2021; tăng 11% về khối lượng và 13% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình là 10,83 USD/kg, cao hơn 2% so tháng 3/2020. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem sự gia tăng này có thể duy trì trong bao lâu? Sau khi sự lây lan của COVID-19 tạm lắng trong những tháng mùa hè, các ca bệnh đang gia tăng trở lại ở Argentina, buộc Chính phủ nước này phải áp đặt một loạt các biện pháp hạn chế. Thêm vào đó, quá trình tiêm chủng tiến triển chậm hơn so các nước láng giềng, chẳng hạn như Chilê và nguồn cung cấp thuốc cũng tương đối thấp. Do đó, triển vọng đánh bắt tôm là không chắc chắn, vì sự lây lan của virus đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm bệnh trên tàu cao hơn.
Mỹ cũng đã gia tăng mạnh việc nhập khẩu tôm từ Trung Quốc trong tháng 3/2021, đạt 317 tấn, trị giá 4,8 triệu USD; tăng 54% về lượng và 70% so với giá trị cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là một trong những nguồn cung cấp tôm rẻ nhất của Mỹ, vì giá trung bình chỉ ở mức 5,68 USD/kg trong tháng 3/2021, cao hơn 11% so mức giá trong tháng 3/2020.
Mỹ đã nhập khẩu 2.008 tấn tôm từ Mexico, trị giá 24,9 triệu USD trong tháng 3/2021, giảm 1% về lượng và 8% về giá trị so cùng kỳ. Giá trung bình là 12,38 USD/kg, thấp hơn 7% so tháng 3/2020. Những đám mây đen đang sắp sửa che phủ ngành tôm Mexico, khi mới đây Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông báo đình chỉ chứng nhận tôm đánh bắt tự nhiên của Mexico sang Mỹ, do các biện pháp bảo vệ rùa biển không đầy đủ. Động thái có thể khiến ngành tôm Mexico thiệt hại khoảng 300 triệu USD mỗi năm.
Phương Ngọc
(Tổng hợp)