(TSVN) – Tại dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản đang được Bộ NN&PTNT xây dựng và lấy ý kiến đã đề cập đến một số chính sách hỗ trợ phát triển khai thác thủy sản, trong đó có chính sách về bảo hiểm và hỗ trợ duy tu, sửa sửa chữa định kỳ đối với tàu cá vỏ thép.
Về chính sách bảo hiểm, theo nội dung dự thảo: Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên là thành viên tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã khai thác thủy sản; cơ sở NTTS trên biển:
– Hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho thuyền viên làm việc trên tàu cá; bảo hiểm tai nạn cho cá nhân làm việc trên các cơ sở NTTS trên biển; thuyền viên làm việc trên tàu và xà lan chuyên dụng dịch vụ cho cơ sở nuôi biển công nghiệp. Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với các cơ sở nuôi biển ngoài 06 hải lý và vùng biển khơi.
– Hỗ trợ hàng năm 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên (bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu, không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu), bảo hiểm lồng bè, phương tiện, thiết bị phục vụ NTTS trên biển từ 3 – 6 hải lý.
– Hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với thiết bị của các cơ sở NTTS trên biển; hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm vật nuôi đối với các cơ sở NTTS trên biển ngoài 6 hải lý và vùng biển khơi; hỗ trợ 20% kinh phí mua bảo hiểm vật nuôi đối với các cơ sở NTTS trên biển.
Về hỗ trợ một lần chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ đối với tàu cá vỏ thép, dự thảo nêu: Thời gian hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép đối với chủ tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ được thực hiện trong suốt thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất (tối đa 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; tối đa 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới).
– Điều kiện hỗ trợ: Chủ tàu cá vỏ thép được đóng mới đã thực hiện duy tu, sửa chữa đúng quy định pháp luật về đăng kiểm tàu cá; có hợp đồng, thanh lý hợp đồng duy tu, sửa chữa tàu với cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá được công bố theo quy định; đã được cơ sở đăng kiểm tàu cá kiểm tra, chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá.
– Mức hỗ trợ: 150 triệu đồng đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m; 200 triệu đồng đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 24 m đến dưới 30 m; 250 triệu đồng đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 30 m trở lên.
– Trình tự thủ tục:
+ Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ đối với tàu cá vỏ thép có xác nhận của UBND cấp xã, bản chính Hợp đồng, thanh lý hợp đồng duy tu, hóa đơn thanh toán sửa chữa tàu cá; bản photo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.
+ Hồ sơ gửi về Sở NN&PTNT trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách chủ tàu được hỗ trợ, mức hỗ trợ, thông báo cho chủ tàu và kho bạc nhà nước cấp huyện nơi chủ tàu được hỗ trợ.
+ Lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí: Sở Tài chính phối hợp các Sở, ngành, địa phương liên quan xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ, tham mưu UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính.
+ Định kỳ trước ngày 15/10 hàng năm, Bộ NN&PTNT tổng hợp nhu cầu, kết quả hỗ trợ của các địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí từ ngân sách trung ương cho các địa phương.