(TSVN) – Nếu như trước đây, Quảng Ngãi là một trong những địa phương có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, thì năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, tỉnh này đã không có bất kỳ tàu cá nào vi phạm. Thành công này đến từ việc rất nhiều giải pháp đã được các ngành chức năng địa phương thực hiện hiệu quả như: đẩy mạnh lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức ngư dân hay việc tăng cường kiểm soát hoạt động nghề cá…
Quảng Ngãi là một trong những địa phương có số lượng tàu cá khai thác thủy sản lớn của cả nước với đội tàu gần 5.300 chiếc. Trong số này, có 3.350 tàu dài từ 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2021, thống kê trên địa bàn đã có 2.690 tàu cá thực hiện lắp đặt để khai thác thủy sản (chiến 81%).
Thiết bị giám sát hành trình phục vụ quản lý, phát hiện các trường hợp vi phạm trong khai thác hải sản; theo ghi nhận, phần lớn tàu cá Quảng Ngãi đã tuân thủ quy định, đảm bảo kết nối tín hiệu suốt quá trình đánh bắt. Nhờ có phần mềm hiện đại, với các chức năng như: xuất báo cáo khi tàu cá mất tín hiệu kết nối giám sát hành trình, xem nhanh thông tin tàu cá, thống kê số lượng tàu theo từng trạng thái, quy trình tàu cá xuất – nhập cảng, nhật ký đánh bắt…; mà Chi cục Thủy sản tỉnh cùng một số cơ quan, đơn vị được phân quyền có thể theo dõi, quản lý hầu hết hải trình đánh bắt của ngư dân. Cụ thể: Từ ngày 28/1 – 1/3/2021, thông qua hệ thống giám sát, cơ quan chức năng phát hiện 50 tàu cá Quảng Ngãi vượt ranh giới cho phép trên biển; từ ngày 19/1 – 19/2/2021, có 58 tàu cá mất tín hiệu kết nối với hệ thống giám sát trên 10 ngày. Hàng tháng, trên cơ sở dữ liệu này, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đã gửi danh sách tàu cá mất kết nối quá 10 ngày trên biển và tàu cá vượt ra khỏi sơ đồ trên phần mềm của hệ thống đến lực lượng Bộ đội Biên phòng và Ban Quản lý các cảng cá để phối hợp, xử lý và làm việc với các chủ tàu vi phạm để nhắc nhở, tuyên truyền và viết cam kết không tái phạm.
Ngư dân Quảng Ngãi chuẩn bị nhiên liệu trước mỗi chuyến ra khơi; Ảnh: Nam Anh
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết, những tàu cá vượt ranh giới hoặc cố tình ngắt kết nối với hệ thống giám sát sẽ bị xử phạt rất nặng. Đối với trường hợp mất kết nối, Chi cục phối hợp với lực lượng Biên phòng điều tra nguyên nhân. Nếu cố tình ngắt kết nối, đưa tàu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt sẽ bị phạt rất nặng. Mức phạt theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017, đối với tàu cá mất kết nối từ 20 – 30 triệu đồng; tàu cá vượt ranh giới cho phép để đánh bắt hải sản bất hợp pháp bị phạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Nhằm tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành văn bản phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân khi tham gia khai thác thủy sản. Theo đó, phối hợp phổ biến, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp (trên các trang fanpage, zalo, facebook và trong các buổi sinh hoạt tại địa phương); nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là cộng đồng ngư dân ven biển, các thành phần kinh tế có liên quan các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản.
Cùng đó, phối hợp phổ biến, tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng phải thực hiện ghi nhật ký khai thác hải sản, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát tàu cá theo đúng quy định. Phối hợp hướng dẫn ngư dân viết, ký cam kết không khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài và vi phạm khai thác IUU. Riêng huyện Lý Sơn, các xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn), xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), xã Phổ Châu (thị xã Đức Phổ) phối hợp vận động tuyên truyền trực tiếp tại địa phương theo kế hoạch đã ban hành…
Về vấn đề kiểm soát tàu ra vào cảng, các Văn phòng đại diện tập trung ở 2 cảng Sa Kỳ và Tịnh Hòa đã thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở giáo dục, khi có tàu vi phạm thì kiên quyết xử lý theo đúng quy định để lập lại trật tự. Hàng tháng, Chi cục Thủy sản cũng có thông báo danh sách các tàu mất kết nối, tàu vượt ranh giới để lực lượng Biên phòng cùng với các cảng cá phối hợp với Chi cục để khi tàu vào sẽ mời chủ tàu lên làm việc, xử lý và rút kinh nghiệm. Tỉnh cũng đã tăng cường cán bộ giúp ngư dân lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình, cải hoán tàu đúng kích cỡ, trang bị đủ phao cứu sinh, sổ ghi nhật ký hành trình và đăng ký đăng kiểm đúng quy định trước khi ra khơi.
Cùng đó, để quản lý hoạt động của các tàu cá, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để quản lý hoạt động của tàu cá địa phương, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm khải thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; tập trung xử lý triệt để hành vi cố tình vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài và vi phạm khai thác IUU dưới mọi hình thức; rà soát, xác định các chủ tàu có khả năng cao vi phạm khai thác IUU để có biện pháp tuyên truyền, vận động, quản lý, phòng ngừa sớm, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Chiều 21/6, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức cuộc họp thảo luận các biện pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Thông tin tại cuộc họp, hiện tổng số tàu cá đã đăng ký trên địa bàn tỉnh là 5.262 chiếc, với tổng công suất 1.835.234 CV (trung bình 348,8 CV/tàu); có 2.727 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tổng số 3.332 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên bắt buộc phải lắp đặt, đạt tỷ lệ 81,8%. Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU đạt được một số kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong hoạt động khai thác hải sản; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá được tăng cường, đạt kết quả tích cực; nhờ vậy, tàu thuyền, ngư dân xâm phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản giảm đáng kể.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc tăng cường kiểm soát hoạt động nghề cá trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản tuân thủ đúng theo pháp luật Việt Nam và các quy định của luật pháp quốc tế sẽ góp phần trong việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” EC của Việt Nam. Do vậy, để thực hiện nhiệm vụ trên, cần khẩn trương rà soát số lượng tàu cá và hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tổ chức khai thác, vận hành, sử dụng có hiệu quả để theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển; đối với các tàu cá cố tình không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá thì phải có chế tài cụ thể để xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân nhận thức đầy đủ về Luật Thủy sản và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động khai thác thủy, hải sản; tuyên truyền ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Hải Lý