(TSVN) – Những con số xuất khẩu mới nhất từ Phòng NTTS Quốc gia của Ecuador (CNA) cho thấy, Ecuador đang xoay trục, đa dạng hóa và củng cố hoạt động kinh doanh xuất khẩu tôm.
Năm ngoái, giữa đại dịch COVID-19, triển vọng thị trường xuất khẩu tôm 3,6 tỷ USD của Ecuador rất ảm đạm. Bên cạnh việc đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng do dịch COVID-19 tại quê nhà, Trung Quốc – thị trường chiếm khoảng 75% lượng tôm xuất khẩu của Ecuador, đã bắt đầu hạn chế nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ này, vì lo ngại rằng virus corona mới có thể lây truyền trên bao bì thủy sản đông lạnh. Tuy nhiên, những con số mới nhất từ CNA cho thấy, ngành tôm Ecuador đang có sự thay đổi trong chiến lược cả về sản phẩm lẫn thị trường.
Tháng 4/2021, Ecuador đạt mức cao chưa từng có về giá trị và khối lượng xuất khẩu tôm với 75.873 tấn, trị giá 404 triệu USD. Kỷ lục đã được thiết lập ngay cả khi mức giá xuất khẩu trung bình ở mức thấp 2,42 USD/pound, so mức cao nhất trong 2 năm là 2,69 USD vào tháng 11/2019.
Trong đó, xuất khẩu tôm của Ecuador sang Trung Quốc đạt 37.194 tấn, giảm 21,4% so 47.173 tấn trong tháng 4/2020. Về giá trị, xuất khẩu của Ecuador giảm 24,6% xuống 193 triệu USD, so 256 triệu USD vào tháng 4/2020. Về khối lượng, thị trường Trung Quốc vẫn chiếm 49% tổng xuất khẩu tôm của Ecuador, so 82% vào tháng 4/2020.
Xuất khẩu tôm của Ecuador sang Mỹ lần lượt tăng 347% về giá trị và 352% về khối lượng, đạt 92,2 triệu USD và 16.420 tấn. Vào tháng 4/2021, thị trường Mỹ đã tăng tỷ trọng xuất khẩu tôm của Ecuador lên 22%, so với con số 6% trong cùng tháng năm 2020.
Chế biến tôm tại Tập đoàn Omarsa. Ảnh: Omarsa
Tương tự, xuất khẩu tôm sang Pháp tăng 197% lên 22,7 triệu USD và tăng 216% về khối lượng lên 4.082 tấn, tăng tỷ trọng lên 5% từ 2% vào tháng 4/2020. Xuất khẩu sang Tây Ban Nha tăng lần lượt 70% và 83% lên 19,8 triệu USD và 3.946 tấn, với khối lượng tăng 1 điểm phần trăm lên 5%. Trên thực tế, thị trường thương mại con tôm Ecuador đã tăng lên với 34 trong số 42 quốc gia khác có thương mại với Ecuador trong tháng 4; xuất khẩu tôm sang Bồ Đào Nha và Guatemala về cơ bản vẫn không thay đổi.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm của Ecuador sang Trung Quốc đã giảm 39% về giá trị và 32% về lượng, xuống lần lượt là 470 triệu USD và 94.346 tấn. Trong khi đó, xuất khẩu tôm của Ecuador sang Mỹ đã tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ năm trước, lên 300 triệu USD và 54.431 tấn.
Khi so sánh 4 tháng đầu năm 2021 với năm 2020, tỷ lệ tôm Ecuador xuất khẩu ở Trung Quốc giảm từ 64% xuống 39%; trong khi tỷ trọng xuất khẩu tôm Ecuador sang Mỹ tăng từ 12% lên 23%. Tỷ trọng của thị trường châu Âu tăng từ 19% lên 23% và châu Á tăng từ 3% lên 11%.
Kịch bản mới chỉ khác biệt từ tháng 7 năm ngoái, khi các nhà chức trách Ecuador tranh luận, để tìm ra cái mà họ gọi là “giải pháp chung” với Trung Quốc, trong câu chuyện tôm bị ảnh hưởng của COVID-19, kêu gọi các công ty chú trọng “công tác an toàn sinh học để ứng phó với COVID-19” và ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viện Nghiên cứu thủy sản Hoàng Hải của Trung Quốc, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế về nuôi tôm an toàn sinh học. Kể từ đó, Chính phủ Ecuador đã liên hệ với công ty tài chính ngành thủy sản Lighthouse Finance, để kêu gọi sự hỗ trợ và chuyển hướng sang thị trường Mỹ.
Rahul Kulkarni, Đối tác Cố vấn của Lighthouse Seafood cho biết: “Lighthouse Seafood đang xem xét hỗ trợ Chính phủ Ecuador phát triển các giải pháp cho ngành, bao gồm giới thiệu tôm cỡ nhỏ – loại được ưa chuộng ở Trung Quốc, giúp nó trở nên cạnh tranh hơn tại thị trường Mỹ. Hiện, chúng tôi đã có một số dự án tiến triển tốt”.
Bản đồ vùng nuôi tôm của Ecuador
Ấn Độ là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu sang Mỹ, hiện đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng COVID-19 nghiêm trọng và xuất khẩu tôm của nước này sang Mỹ đã giảm. Trong khi đó, theo Kulkarni “giá tôm nuôi ở Ecuador sẽ luôn thấp hơn Ấn Độ, do cách cấu trúc trang trại. Hiện, Ecuador đang chuyển hướng xem Mỹ như một thị trường lớn hơn, nghiêm túc xem xét lại cấu trúc của các mô hình canh tác. Điều đó cũng có nghĩa là phải xem xét các công nghệ canh tác mới như: Hệ thống NTTS tuần hoàn, giúp thu hoạch nhiều vụ hơn trong một năm, thu hoạch thường xuyên hơn và thu hoạch tôm kích thước nhỏ hơn, để có thể cạnh tranh trong cung cấp cho thị trường Mỹ”.
Đồng thời, kể từ năm 2018, Đối tác tôm bền vững (SSP) – được thành lập bởi các công ty tôm hàng đầu của Ecuador bao gồm: Songa, Grupo Almar, Omarsa, Naturisa, Grupo Lanec, Promarisco-Grupo Nueva Pescanova. Các công ty đã thành lập một ban tiếp thị và quảng bá mạnh mẽ, chào hàng tôm Ecuador an toàn và bền vững.
Ban Cố vấn SSP, được thành lập bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và Hội đồng Quản lý NTTS (ASC) cùng với Viện Chứng nhận và Tiêu chuẩn Kỹ thuật Colombia (ICONTEC), đã phát triển một trong những quy trình sản xuất tôm. Các thành viên SSP cam kết thực hành sản xuất tốt nhất, bao gồm thường xuyên kiểm tra trong mỗi chu kỳ sản xuất, để đảm bảo không sử dụng kháng sinh, truy xuất nguồn gốc đầy đủ bằng công nghệ blockchain trong hệ sinh thái IBM Food Trust và không có tác động tiêu cực đến môi trường địa phương.
Phương Ngọc
Tổng hợp