(TSVN) – Theo Tổng cục Hải quan, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga sau khi chững lại trong năm 2017 và giảm năm 2018 đã tăng mạnh trở lại kể từ năm 2019 đến nay. Nhất là 5 tháng đầu năm 2021, tăng 72% về lượng và tăng 60,4% về trị giá so cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga đạt 21.300 tấn, trị giá 72,2 triệu USD, tăng 72% về lượng và tăng 60,4% về trị giá so cùng kỳ năm 2020 ở hầu hết các mặt hàng. Trong đó, tôm đông lạnh các loại là mặt hàng có trị giá xuất khẩu sang Nga lớn nhất, chiếm 25% trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, đạt 2.010 tấn, trị giá 18,4 triệu USD, tăng 69,6% về lượng và tăng 72,9% về trị giá. Việt Nam hiện là thị trường cung cấp tôm mã HS 030617 lớn thứ 4 cho Nga, sau Ecuador, Argentina và Ấn Độ. Mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga có lợi thế về thuế so các thị trường cung cấp khác khi thuế đã về 0% ngay khi Hiệp định EAEU có hiệu lực. Đây là yếu tố hỗ trợ để nhập khẩu tôm mã HS 030617 của Nga từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh nhất so các nguồn cung khác, tăng 207,4% về lượng và tăng 241% về trị giá. Tuy nhiên, giá tôm trung bình nhập khẩu của Nga từ Việt Nam ở mức cao hơn so với 3 nhà cung cấp lớn nhất khiến thị phần tôm của Việt Nam tính theo lượng trong tổng nhập khẩu của Nga vẫn ở mức thấp, mặc dù đã tăng từ mức 2,6% trong 4 tháng đầu năm 2020, lên 6,2% trong 4 tháng đầu năm 2021. Theo đó, giá tôm nhập khẩu của Nga từ thị trường Ecuador trong 4 tháng đầu năm 2021 trung bình ở mức 4,7 USD/kg; giá tôm nhập khẩu từ Argentina trung bình ở mức 6,5 USD/kg; giá nhập khẩu từ Ấn Độ trung bình ở mức 1,06 USD/kg và giá nhập khẩu từ Việt Nam trung bình ở mức 7,6 USD/kg.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam sang thị trường Nga cũng tăng mạnh so cùng kỳ năm trước như: cá tra đông lạnh tăng 134,7% về lượng và tăng 124,6% về trị giá; surimi tăng 36,1% về lượng và tăng 51,9% về trị giá; cá chỉ vàng khô tăng 22,5% về lượng và tăng 22,8% về trị giá; cá ngừ đông lạnh tăng 21,4% về lượng và tăng 76% về trị giá; cá cam đông lạnh tăng 43,1% về lượng và tăng 27,8% về trị giá; cá cơm khô tăng 13% về lượng và tăng 18,1% về trị giá; cá ngân khô tăng 114,3% về lượng và tăng 136,7% về trị giá; bạch tuộc đông lạnh tăng 152,8% về lượng và tăng 170,3% về trị giá…