An Phú là huyện đầu nguồn được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu và sông Châu Đốc, là nơi nhận những dòng nước đầu tiên từ sông Mê Kông chảy vào Việt Nam nên có nguồn nước ngọt dồi dào thuận lợi trong nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Thủy sản nước ngọt ở An Phú rất đa dạng như cá lăng nha, cá heo đuôi đỏ, cá kết, cá chạch lấu…
Đặc biệt từ năm 2011, ở An Phú triển khai mô hình nuôi cá sặc rằn thương phẩm đã tạo nguồn cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến khô cá sặc rằn tại địa phương.
Nói đến Khánh An (An Phú), người ta nghĩ ngay đến làng khô nổi tiếng với nhiều loại đặc sản như khô cá lóc bông, cá sặc bướm, khô rắn… trong đó ngon nhất là khô cá sặc rằn. Mỗi năm, các cơ sở chế biến khô ở Khánh An bán ra thị trường từ 300- 350 tấn khô các loại. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung từ Thái Lan, Campuchia.
Nhằm giúp cho nông dân định hướng trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản, được sự đồng ý của huyện và tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện An Phú khảo sát xây dựng dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ nuôi cá sặc rằn ở huyện An Phú”, dự án đã được Bộ Khoa học-Công nghệ phê duyệt và ủy quyền cho địa phương quản lý.
Sản phẩm khô sặc rằn Khánh An sẽ đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu chế biến, nếu dự án nuôi cá sặc rằn thương phẩm được triển khai tốt.
Ông Trương Chí Thông, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Phú cho biết, ngay khi triển khai thực hiện đã tổ chức tập huấn cho 40 ngư dân và 14 kỹ thuật viên thủy sản về kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ, sinh sản nhân tạo, ươm giống, nuôi cá thương phẩm. Ngư dân ngoài học lý thuyết còn được hướng dẫn thực tế, học tập kinh nghiệm kỹ thuật nuôi cá sặc rằn thương phẩm tại huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Theo đó, mô hình ươm giống cá sặc rằn được 7 hộ dân tham gia thực hiện trên diện tích 9.500m2 mặt nước. Thời điểm thả cá vụ đầu tiên từ tháng 4 đến cuối tháng 5-2011 với mật độ 500- 700 con/m2, tỷ lệ sống đạt từ 20-26%, sau khoảng 3 tháng cá ươm có trọng lượng khoảng 200 con/kg (tổng sản lượng 6.700kg, tương đương hơn 1 triệu con cá giống).
Từ nguồn cá giống được ươm thành công đã triển khai nuôi cá sặc rằn thương phẩm ở 9 hộ với diện tích 30.000m2. Thời điểm thả cá từ cuối tháng 6 đến trung tuần tháng 7-2011 với mật độ 30 con/m2. Sau 7- 8 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng từ 7- 10 con/kg, sản lượng bình quân từ 2- 3 tấn/1.000m2, theo đó tổng diện tích 30.000m2 trong vụ thả nuôi đầu tiên đạt sản lượng trên 75 tấn. Với giá bán dao động từ 51.000- 63.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân đạt lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/vụ/1.000m2.
Ghé tham quan mô hình nuôi cá sặc rằn của anh Cường (xã Khánh An) có diện tích nuôi trên 6.000m2, anh cho biết, nhờ theo dõi sát các buổi tập huấn, cùng với được hướng dẫn tận tình của các kỹ thuật viên thủy sản nên tỷ lệ hao hụt rất ít, cá nuôi phát triển tốt. Vụ nuôi vừa rồi anh Cường trúng lớn, sau khi trừ hết chi phí anh còn lãi hơn 300 triệu đồng, trở thành người nuôi thành công nhất trong vụ thả cá đầu tiên của dự án.
Ngoài ra, năm nay ở Khánh An còn nhiều hộ nuôi cá sặc rằn thương phẩm, trong đó có anh Huỳnh Văn Dũng nuôi với diện tích trên 22.000m2. Anh Dũng là chủ vựa khô có tiếng ở Khánh An từ nhiều năm nay, cho biết: “Nguồn nguyên liệu (cá sặc rằn) trước đây được mua từ Campuchia, sau này dần khan hiếm, những người chế biến khô như anh phải lặn lội qua tận Thái Lan tìm nguồn cá để mua về chế biến nên chi phí khá cao. “Được Nhà nước quan tâm giúp đỡ từ việc hình thành nguồn cung ứng nguyên liệu để chế biến, những người sản xuất khô như tui rất phấn khởi. Vui nhất là tự mình tạo được nguồn cung ứng nên đỡ phải lo bị thiếu nguyên liệu cho con cá khô sặc rằn vốn nổi tiếng ở vùng đất Khánh An”.
Qua 1 năm thực hiện mô hình nuôi cá sặc rằn thương phẩm, diện tích ao nuôi đã tăng lên từ 2,49 héc-ta lên 8 héc-ta, cho thấy hiệu quả bước đầu từ mô hình mang lại, không chỉ giúp ổn định nguồn nguyên liệu, không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ các nước như trước đây, mà đồng thời còn giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.