(TSVN) – Trải qua thời gian dài bị khó khăn bủa vây, thế nhưng, ngành nông nghiệp đã gồng mình vượt “đại hạn” một cách thành công. Không những đảm bảo đời sống cho người nông dân mà giá trị xuất khẩu của ngành tiếp tục tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào tổng GDP cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,84%, trong đó trồng trọt và chăn nuôi tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,98%, thủy sản tăng 4,25%. Tốc độ tăng GDP ngành 6 tháng đầu năm đạt 3,82%; trong đó, thủy sản tăng 4,25%.
Thành quả này đạt được là nhờ sự hội tụ của nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó, quan trọng nhất là sự sát sao tới tận ruộng đồng. Cụ thể, ngành tích cực hướng dẫn địa phương tổ chức sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm có lợi thế thị trường và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, cơ giới hóa nông nghiệp có bước phát triển nhanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Còn với ngành thủy sản, theo nhận định của Bộ NN&PTNT, thành quả của ngành 6 tháng đầu năm qua rất đáng trân trọng. Một số mặt hàng chủ lực của thủy sản như tôm đang đứng đầu thị phần ở nhiều thị trường lớn, cạnh tranh với các mặt hàng tôm từ Ấn Độ, Indonesia, Ecuador. Hầu hết các mặt hàng tăng trưởng khá như tôm tăng 13%, cá tra tăng 18%, cá ngừ tăng 20%, các mặt hàng hàu, nghêu ngao mặc dù kim ngạch nhỏ nhưng mức tăng trưởng lên tới 45%.
Thị trường là một trong những vấn đề quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhờ làm tốt công tác dự báo và hỗ trợ, xuất khẩu ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tại các thị trường rất hanh thông.
Đối với thị trường nước ngoài, Bộ NN&PTNT chỉ đạo thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước; chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ FTAs; thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Tập trung giải quyết vướng mắc về rào cản ATTP của các thị trường và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tháo gỡ rào cản cho xuất khẩu nông sản. Tổ chức thành công thanh tra trực tuyến để 13 doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ; bổ sung 18 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu sang Nga; 13 cơ sở xuất khẩu vào Hàn Quốc; tháo gỡ khó khăn xuất khẩu đi các thị trường.
Nhờ vậy, mặc dù chịu tác động từ đại dịch, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm vẫn tăng mạnh, đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% cùng kỳ năm 2020; trong đó, nông sản chính đạt 10,4 tỷ USD, tăng 13,3%; thủy sản 4,05 tỷ USD, tăng 12,5%; lâm sản 8,7 tỷ USD, tăng 61,5%.
Đối với thị trường trong nước, Bộ NN&PTNT theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung tại các địa phương; hỗ trợ kết nối đưa nông sản có sản lượng lớn khi vào vụ và gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các hệ thống siêu thị, như: vải thiều, cá tra, cá lòng hồ và các sản phẩm thủy sản, nông sản an toàn của HTX…
Ngành nông nghiệp phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 khoảng 45 tỷ USD (cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao 3 tỷ USD); trong đó: nông sản chính 21,5 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 14 tỷ USD; thủy sản 8,5 tỷ USD…
Để thực hiện được mục tiêu này, ngành nông nghiệp đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; trong đó, đẩy mạnh phát triển mạnh thị trường xuất khẩu. Cụ thể, tận dụng cơ hội từ các FTAs, nhất là EVFTA, CTPPP để tháo gỡ rào cản và thâm nhập thị trường mới. Kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics, không để ứ đọng hàng hóa tại các cửa khẩu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc…
Tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là cơ sở, là động lực để ngành nông nghiệp gặt hái thành tích cao hơn trong 6 tháng cuối năm. Mặc dù vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp cần những kế hoạch, tầm nhìn dài hơi. Trong đó, cần tập trung vào giải pháp, nhận thức những khó khăn, rào cản trong điều kiện mới. Cụ thể, cơ quan này sẽ cùng các bộ tổng kết để có kịch bản thường trực ứng phó khi thị trường biến động, đồng thời có tư duy mới kích hoạt cả hệ thống trong kết nối thông tin, dữ liệu giữa cung và cầu. Cùng đó, tính toán lại lịch thời vụ để tránh trùng thời vụ của quốc gia mà Việt Nam xuất khẩu sang.
Phan Thảo