T2, 09/08/2021 03:18

Thanh Hóa: Gỡ khó trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là giải pháp căn cơ nhằm quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.

Với đường bờ biển dài 102 km, Thanh Hóa hiện có hàng nghìn phương tiện khai thác thủy sản; trong đó, có hơn 1.280 tàu cá có chiều dài trên 15 m. Tính đến đầu tháng 8/2021, các tàu cá này đã lắp đặt thiết bị VMS mới đạt gần 50%. Điều này đang gây khó khăn rất lớn đối với việc quản lý, giám hoạt động khai thác trên biển cũng như việc xác nhận nguồn gốc thủy sản. Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu đã đăng ký nhưng chưa lắp đặt thiết bị VMS vì cho rằng giá thành lắp đặt sau khi trừ hỗ trợ của tỉnh vẫn còn cao, phải trả cho nhà cung cấp khoảng 10 – 15 triệu đồng/tàu. Một số chủ tàu cá đã lắp thiết bị VMS nhưng chưa trả hết số tiền mua thiết bị giám sát hành trình, ngoài 10 triệu đồng hỗ trợ của tỉnh nên chưa được kích hoạt thiết bị trên hệ thống giám sát hành trình của Trung ương.

Theo các chủ tàu cá, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là chi phí lắp đặt lớn, trong khi hiệu quả khai thác hải sản những năm gần đây khá bấp bênh. Ngoài ra, một số chủ tàu cá chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tác dụng của thiết bị VMS đối với hoạt động khai thác trên biển cũng như trong hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển nên chưa tự giác lắp đặt.

Ảnh minh họa

Để hỗ trợ các chủ tàu cá, mới đây, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên trên địa bàn tỉnh. Đối tượng được hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá là tổ chức bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên đăng ký tại tỉnh Thanh Hóa; trong đó, có cả các tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ trích ngân sách tỉnh để hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình là 10 triệu đồng/tàu cá và hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo hóa đơn thực tế nhưng không quá 300.000 đồng/tháng/tàu cá. Thời gian hỗ trợ sẽ kéo dài trong 3 năm kể từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2024. Tỉnh Thanh Hóa cũng đang thực hiện xóa đăng ký các tàu cá chìm đắm, giải bản, hư hỏng hoàn toàn đồng thời tiến hành phân loại tàu cá không đảm bảo hoạt động đưa ra khỏi danh sách quản lý, yêu cầu chủ tàu cá ký cam kết không đưa tàu cá đi khai thác khi chưa lắp thiết bị giám sát hành trình.

Ông Lê Văn Sáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, cho biết: “Hiện Chi cục đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để ngư dân nhận thức rõ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá là cần thiết và bắt buộc trong giai đoạn hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác thủy sản, người và tài sản của ngư dân. Để sớm hoàn thành việc lắp đặt theo đúng quy định, Chi chục Thủy sản Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các địa phương ven biển và các ngành liên quan rà soát lại từng trường hợp cụ thể để có phương án giải quyết kịp thời đồng thời khẩn trương, kiên quyết việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với số tàu cá còn lại”.

Thái Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!