(TSVN) – Giá cước vận chuyển ngày càng tăng cao, tình trạng khan hiếm container rỗng và container lạnh tiếp diễn, nhiều đơn hàng cá ngừ bị dồn ứ lại, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19… là những khó khăn cho xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong quý III/2021.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong 7 tháng đầu 2021 ước đạt hơn 410 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các thị trường nhập khẩu số lượng lớn cá ngừ chế biến của Việt Nam là Hoa Kỳ, châu Âu, Israel, Canada và Nhật Bản. Riêng thị trường Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều nhất với hơn 170 triệu USD.
Tuy nhiên, ngành chế biến, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sẽ khó đạt mức tăng trưởng tốt trong quý III/2021 bởi những nguyên nhân sau đây:
Theo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện nay, giá cước vận chuyển đang ngày càng tăng cao do các quốc gia trên thế giới đều thực hiện giãn cách xã hội, ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Theo đó, các thị trường nhập khẩu cá ngừ cũng có dấu hiệu hạn chế giao dịch, thông quan các lô hàng nhập khẩu. Điều này đã dẫn đến tình trạng tần suất vận chuyển ít đi trong khi nhu cầu vận chuyển vẫn tăng cao nên giá cước vận chuyển đã bị đẩy lên.
Theo đánh giá, chi phí vận chuyển hàng hóa đang tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tình trạng khan hiếm container rỗng và container lạnh đang tiếp diễn; tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn của Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đã làm chậm giao thương, dẫn đến sự chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng vào những tháng cuối năm không được thuận lợi.
Theo Chỉ số Vận chuyển HARPEX, giá container toàn cầu ở mức tối thiểu 412 điểm vào tháng 6/2020. Vào tháng 1/2021, giá container toàn cầu ở mức 1.063 điểm, và tuần trước chỉ số này ở mức 2.034 điểm, cho thấy giá trị vận tải đã tăng gấp 4 lần trong vòng một năm.
Do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư ở Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn bởi nguy cơ lây nhiễm cao, trong khi công nhân và người lao động tại các nhà máy chưa được tiêm vaccine.
Hơn nữa, những đối thủ cạnh tranh và nhiều rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại khác sẽ tiếp tục gây khó khăn cho ngành cá ngừ Việt Nam. Cụ thể, một số thị trường sở tại châu Âu, hiện cũng đang mong muốn nâng cao các tiêu chí nhập khẩu vào thị trường châu Âu – thị trường lớn thứ 2 về nhập khẩu cá ngừ Việt Nam.
Ngoài ra, ngành khai thác và chế biến cá ngừ Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn như chi phí hoạt động ngày càng tăng, giá dầu thực vật, giá nhiên liệu tăng vọt khiến giá bán lẻ cá ngừ đóng hộp và đóng túi cao hơn. Với những chi phí tăng cao này, sẽ càng làm cho khả năng cạnh tranh của cá ngừ Việt Nam thêm khó khăn.