Hiệu quả Đề án 52 tại Phú Vang

Chưa có đánh giá về bài viết

Đề án 52 được triển khai tại Thừa Thiên – Huế từ năm 2009, mang lại nhiều chuyển biến về công tác dân số, tiêu biểu như tại huyện Phú Vang, 16 xã của toàn huyện được hưởng các dịch vụ CSSK/KHHGĐ một cách đồng bộ và có hiệu quả.

Triển khai tích cực các hoạt động

Hàng năm, Tiểu ban quản lý Đề án đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn trong huyện để triển khai kế hoạch hoạt động. Nội dung của Đề án được phổ biến tới các chi hội cơ sở, cán bộ đảng viên và đông đảo người dân thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể; qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bằng nhiều hình thức khác nhau như bản tin, câu chuyện dân số, tổ chức các buổi tuyên truyền cổ động, treo băng rôn, khẩu hiệu giới thiệu về các hoạt động của công tác DS – KHHGĐ.

Chị em phụ nữ được hưởng lợi trực tiếp từ các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ của Đề án 52

Qua các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, các xã đã thành lập đội tuyên truyền lưu động, dựng pano, khẩu hiệu, đồng thời huy động đội ngũ cộng tác viên dân số, các ban, ngành, đoàn thể của xóm, làng cùng tham gia. Đội ngũ cán bộ dân số tổ chức sinh hoạt nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ, tư vấn trực tiếp và tư vấn tại cộng đồng cung cấp thông tin, kỹ năng thực hành các biện pháp phòng chống bệnh phụ khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục cho nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻtại các địa phương…

 

Kết quả đáng ghi nhận

Nhờ thực hiện có hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động người dân tham gia công tác DS – KHHGĐ tại địa phương, nên số người được thực hiện các biện pháp tránh thai, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KHHGĐ ngày một cao, mức sinh giảm và chất lượng dân số được cải thiện. Sau hơn 3 năm thực hiện, tỷ suất sinh tại Phú Vang giảm xuống dưới 0,3‰, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 20,36‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 10,7‰, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của các cặp vợ chồng là 3.560/4.421 cặp, chiếm 80,52%. Điều này khẳng định, nhận thức của các chị em phụ nữ về công tác DS – KHHGĐ đã được nâng cao, đời sống gia đình cũng được cải thiện, khi mà mỗi gia đình đã ý thức được nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt và có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, công tác DS – KHHGĐ tại Phú Vang vẫn còn nhiều trở ngại, cần khắc phục trong thời gian tới: đó là tâm lý sinh con trai và nhiều con để có lao động đi biển, nhiều chị em còn e dè trong việc thực hiện các biện pháp chăm sóc SKSS/KHHGĐ; cùng với đó, nghề biển gắn liền với những chuyến ra khơi dài ngày nên việc tuyên truyền cũng gặp không ít khó khăn. Việc tiếp cận các dịch vụ của Đề án còn hạn chế, đội ngũ cộng tác viên còn mỏng, phụ cấp cho hoạt động tuyên truyền, vận động còn ít…

Đề án 52 đã góp phần cải thiện đời sống ngư dân tại Phú Vang

Ông Lê Đức Hy, Trưởng phòng Truyền thông Dân số của Chi cục Dân số tỉnh cho rằng, Đề án 52 được triển khai trên địa bàn các xã, phường, thị trấn tại Thừa Thiên – Huế đã tạo những chuyển biến trong nhận thức của người dân vùng biển về công tác DS – KHHGĐ; tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn vướng mắc nhất định, cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ và cần sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành liên quan.

 

Hướng đi trong tương lai

Trong thời gian tới, với mục tiêu đẩy mạnh truyền thông để chị em trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thông tin về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, Trung tâm DS – KHHGĐ huyện sẽ phối hợp với các địa phương hưởng lợi từ Đề án cùng các cộng tác viên dân số thường xuyên xuống cơ sở để tư vấn, xử lý kịp thời những trường hợp các chị em có vấn đề về SKSS, bố trí các điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các thôn xóm, phối kết hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức khám, cấp thuốc điều trị cho các đối tượng.

Chi cục Dân số tỉnh cũng đang nỗ lực đẩy mạnh Đề án 52 đến từng địa bàn dân cư ven biển, đầm phá với nhiều hoạt động cụ thể; trong đó, chú trọng công tác truyền thông, giáo dục làm thay đổi nhận thức của người dân. Ưu tiên chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai và trẻ mới sinh; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; dị tật và thiểu năng trí tuệ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bình thường của bào thai do ảnh hưởng của môi trường biển, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, SKSS vị thành niên… Đồng thời, tiến hành nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ “xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên”; thuyết phục các địa phương đưa tiêu chí dân số vào hương ước, quy ước làng, thôn, bản, tổ văn hóa…

Tuy nhiên, để làm tốt các hoạt động trên, ngoài những nỗ lực tích cực của đội ngũ cán bộ chuyên trách ngành dân số, y tế cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm, lên các kế hoạch cụ thể để chỉ đạo công tác DS – KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số dân cư vùng biển, đầm phá tốt hơn hiện nay.

>>Mục tiêu của Đề án 52 tại Thừa Thiên – Huế: tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng ven biển, đầm phá áp dụng biện pháp tránh thai đến 2020 đạt từ 72% trở lên. Tỷ lệ người làm việc, người sinh sống ở vùng biển, ven biển, đầm phá, ở các khu công nghiệp, chế xuất, du lịch… được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, chăm sóc SKSS/KHHGĐ đạt từ 80 – 95%.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!