(TSVN) – Sản xuất, chế biến cá tra hiện đang gặp rất nhiều trở ngại. Ghi nhận từ cuối tháng 7/2021, dịch COVID-19 lan từ TP Hồ Chí Minh xuống khu vực ĐBSCL thì các doanh nghiệp ngành cá tra nhanh chóng hứng chịu tác động, có tới 50% cơ sở tại một số địa phương vùng trọng điểm phải đóng cửa, cá tra tại ao quá cỡ.
Là địa phương có diện tích và sản lượng nuôi cá tra lớn nhất cả nước, giá cá tra nguyên liệu tại tỉnh Đồng Tháp hiện ở mức 20.500 – 22.000 đồng/kg, trong khi chi phí trung bình để sản xuất 1 kg cá nguyên liệu gần 22.500 đồng. Giá cá nguyên liệu giảm là do nhiều nhà máy chế biến hạn chế mua vào do giảm công suất (30 – 50%) hoặc tạm thời đóng cửa nghỉ do dịch bệnh. Theo các doanh nghiệp cá tra, khó khăn lớn nhất của các nhà máy chế biến là thực hiện “3 tại chỗ”; vì phát sinh quá nhiều chi phí, công và lương người lao động tăng, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa gặp nhiều khó khăn; người lao động không muốn làm theo phương án này…
Tại các địa phương khác như Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang…, nguồn cung cá tra cho xuất khẩu dồi dào nhưng nhà máy chế biến cũng ngừng hoạt động hoặc giảm công suất nên tạm ngưng mua nguyên liệu, khiến giá cá giảm. Đó cũng là nguyên nhân làm giảm diện tích nuôi cá tra thâm canh, dự báo xu hướng này vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới. Công suất hoạt động của toàn ngành cá tra hiện còn khoảng 10 – 20%.
Đại diện Sở NN&PTNT An Giang cho biết, do thực hiện giãn cách xã hội, Đề án sản xuất cá tra giống 3 cấp hiện đang cầm chừng một số cơ sở đang tạm dừng không thả mới, hoạt động mua bán vận chuyển hạn chế. Nếu dịch khống chế được, từ nay đến cuối năm, nguồn giống thiếu hụt khi thả nuôi lại. Kiến nghị có kiểm soát tốt giả cả nguyên liệu đầu vào, vận chuyển hàng hóa thông thoáng giữa các địa phương, hệ thống ngân hàng chính sách ưu đãi lãi suất và giá điện cho người nuôi và doanh nghiệp.
Theo Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia – IDI , một trong những doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra hàng đầu tại Việt Nam, hiện doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” nhưng công suất giảm còn 30%. Khó khăn hiện nay, khi Công ty muốn đẩy nhanh sản xuất nhưng lượng nhân công thiếu hụt nên mong muốn Bộ NN&PTNT và các địa phương có chính sách giải tỏa vấn đề này nhất là việc hỗ trợ tiêm vaccine cho các công nhân kể cả công nhân chưa thực hiện “3 tại chỗ”; về lâu dài thì cần cho phép doanh nghiệp hoạt động lại bình thường. Cùng đó, việc vận chuyển cá nguyên liệu từ vùng nuôi tại nhiều tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ) tới các nhà máy chế biến thực sự rất khó khăn. Doanh nghiệp có kêu gọi ngân hàng giảm lãi suất nhưng, mỗi đơn vị có hỗ trợ khác nhau, mức rất thấp khoảng 0,5% (không đáng kể cho doanh nghiệp); việc giãn cách càng lâu thì sẽ thiếu hụt về lao động và nguyên liệu sau khi dịch được kiểm soát lại càng khó.
Theo các doanh nghiệp, dù có thể thực hiện “3 tại chỗ” nhưng việc vận chuyển nguyên liệu phục vụ cho sản xuất là rất bất cập, liên quan đến “luồng xanh”, giấy đi đường, xét nghiệm… Nên thiết tha mong các bộ, ngành cần nhanh chóng khơi thông cho sản xuất, giúp người nuôi và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, có điều kiện sản xuất tốt hơn.