Tháng 8 ảm đạm của ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, mặc dù tính chung 8 tháng đầu năm, ngành thủy sản vẫn tăng trưởng khá tốt, tuy nhiên, đó là do kết quả của 7 tháng trước đó, còn riêng tháng 7, ngành thủy sản sụt giảm mạnh cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.

Sụt giảm các lĩnh vực

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, sản lượng thủy sản trong tháng 8 ước đạt 801,4 nghìn tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng giảm đầu tiên trong năm 2021.

Trong đó, sản lượng nuôi đạt 443,8 nghìn tấn, giảm 4,1% so cùng kỳ, điều đáng nói cả hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đều giảm mạnh; sản lượng khai thác đạt 357,6 nghìn tấn, giảm 0,8%. Cùng đó, từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8, các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ cũng chủ động giảm công suất 30 – 40%, có cơ sở dừng hoạt động do nhu cầu giảm và vận chuyển khó khăn.

Cả nước có 117 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, nhưng hiện có 15 nhà máy ngừng hoạt động do nhiều nguyên nhân khác nhau (do có ca F0, không thực hiện được 3 tại chỗ…), trong đó có 2 nhà máy sản xuất thức ăn tôm và 13 nhà máy sản xuất thức ăn cá. Với các nhà máy còn hoạt động thì trong tháng 8 cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu vật liệu đầu vào như bao bì, nhãn mác… vận chuyển thức ăn đến các địa phương chưa thực sự thông suốt.

Về xuất khẩu, tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây là mức tăng do kết quả của 7 tháng trước đó, bởi xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm mạnh ở các mặt hàng hải sản (cá ngừ); cá tra và tôm giảm đến 29,7% so với tháng trước.

Rất nhiều khó khăn

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và khó khăn vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, tại các tỉnh ĐBSCL đã có 120/449 nhà máy chế biến dừng hoạt động; các nhà máy đang sản xuất thì công suất chỉ khoảng 30 – 40%; tuy nhiên, chi phí sản xuất của nhà máy tăng, chậm và bị phạt đơn hàng rất lớn.

Còn trong nuôi trồng, hiện nay người dân gặp khó khăn vì thủy sản đến kỳ thu hoạch nhưng ùn không bán được do khó gọi thương lái, nhà máy thu mua thủy sản giảm hoặc ngừng thu mua khiến giá giảm mạnh, nhất là tôm nguyên liệu. Cùng với đó, việc cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản) không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và test COVID-19.

Dự báo, nếu tình trạng này không được cải thiện sẽ làm đứt gãy chuỗi sản xuất nuôi trồng thủy sản và và nguy cơ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu trong các tháng cuối năm là rất lớn.

Về khai thác, thời gian qua đã có 25 cảng cá buộc phải dừng hoạt động. Đến đầu tháng 9, 8 cảng cá hoạt động trở lại nhưng vẫn còn đến 17 cảng đóng cửa. Số lượt tàu cá vào cảng để bốc dỡ thủy sản giảm 59.670 lượt, tương đương 334.000 tấn. Việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gãy, giá sản phẩm giảm 15 – 20% so với cùng kỳ. Thêm đó, các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá (bao gồm sửa chữa tàu, máy móc, cung ứng dầu, nước đá, thực phẩm) gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ.

Cần nhanh chóng tháo gỡ

Để có thể tháo gỡ những khó khăn này, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương quan tâm rà soát và có chính sách hỗ trợ cho toàn bộ chuỗi sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản, nhất là người dân trực tiếp sản xuất (về thuế, điện, vốn…). Ưu tiên bổ sung tiêm vaccine đầy đủ cho lao động tham gia trong chuỗi và có cơ chế phù hợp để cho sản xuất trở lại trong điều kiện bình thường.

Kiến nghị Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ giảm giá điện cho hoạt động sản xuất thủy sản, đặc biệt cho nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm công nghiệp; Bộ Giao thông vận tải tiếp tục giám sát thực hiện các chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc vận chuyển sản phẩm thủy sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất thủy sản.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động trong chuỗi thủy sản bị ảnh hưởng do COVID-19. Cung cấp thêm tín dụng với mức lãi suất hợp lý để cho người dân và doanh nghiệp tái đầu tư phục hồi sản xuất.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần khơi thông ách tắc trong vận chuyển sản phẩm thủy sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất như con giống, thức ăn, máy móc, thiết bị…); chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, xử lý các hành vi trục lợi, ép giá gây thiệt hại cho người nuôi. Về khai thác, cần xem xét có chính sách hỗ trợ kinh phí đối với hoạt động của cảng cá để duy trì hoạt động, phục vụ ngư dân, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất thủy sản và thực hiện các khuyến nghị của EC; Ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch cho các lao động tham gia vào hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến, vận chuyển… thủy sản (kể cả các lao động trên tàu cá và tại cảng).

Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cần tăng cường thu mua, tích trữ các sản phẩm thủy sản để tránh giảm giá sâu ảnh hưởng đến tâm lý tái sản xuất của người dân; Đồng hành cùng với các cơ quan chuyên môn và người dân tổ chức sản xuất theo chuỗi để ổn định sản xuất, cân đối cung – cầu sản phẩm. Một điều nữa là tăng cường chia sẻ thông tin thị trường, khó khăn vướng mắc với các cơ quan chuyên môn để cùng nhau tháo gỡ, giúp cho sản xuất ổn định và phát triển.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!