(TSVN) – Theo Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so cùng kỳ năm 2020; trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước trên 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%; thủy sản trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước 296 triệu USD, tăng 15,9%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 31,1%.
Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 41,5% thị phần; châu Mỹ 31,3%; châu Âu 11,3%; châu Phi 1,9%; châu Đại Dương 1,5%. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với giá trị đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 29,1% thị phần; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với gần 6,1 tỷ USD, chiếm 18,9% thị phần.
Với ngành thủy sản, theo ước tính, tháng 8/2021 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 123.000 tấn, trị giá 600 triệu USD, giảm 33,6% về lượng và giảm 26,35% so cùng kỳ năm trước. Tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản bị tác động mạnh sau khi chững lại trong nửa cuối tháng 7/2021 khi dịch COVID-19 khiến nhiều tỉnh, thành phía Nam – “thủ phủ” sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước buộc phải giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 1,283 triệu tấn, trị giá 5,578 tỷ USD, tăng 4,19% về lượng và tăng 7,14% về trị giá so cùng kỳ năm 2020.
Dịch COVID-19 trong nước vẫn diễn biến phức tạp, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ chưa thể phục hồi trong tháng 9/2021. Sau hơn 1 tháng dịch bùng phát mạnh, các doanh nghiệp chỉ được hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm” để vừa phòng, chống dịch lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp, vừa tránh đứt gãy sản xuất. Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập tác động lớn tới việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cũng như nỗ lực duy trì sản xuất, xuất khẩu. Hiện nay, chỉ có khoảng rất ít các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30 – 50%. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40 – 50% so trước đây. Trong khi các chi phí phát sinh cũng gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, hoạt động vận chuyển lưu thông cũng bị ảnh hưởng, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển quốc tế và Việt Nam cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của ngành.
Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi sau khi dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát tốt nhờ nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU… tăng mạnh khi tỷ lệ tiêm vaccine được mở rộng, khả năng phục hồi và mở cửa nền kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn. Nhưng, để đảm bảo cho ngành thủy sản phục hồi sau dịch, việc đảm bảo ổn định hoạt động nuôi trồng và chế biến là cấp thiết.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước 17,8 tỷ USD, tăng 57,7%; chăn nuôi trên 2,5 tỷ USD, tăng 6,6%; thủy sản khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 19,3%; lâm sản chính khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 38,3%; nhóm đầu vào sản xuất gần 5 tỷ USD, tăng 36%.