(TSVN) – Tối qua 8/9, bão CONSON đã vượt qua bán đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 5 trong năm 2021 với sức gió giật cấp 11. Được đánh giá là cơn bão mạnh, quỹ đạo và cường độ của bão còn rất phức tạp, nhiều địa phương đã chủ động các biện pháp ứng phó.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13h ngày 9/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 116, 9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 540 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 – 90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 10/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 113,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90 – 115 km/giờ), giật cấp 13.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 111,5 đến 118,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5 – 10 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100 – 120 km/giờ), giật cấp 13.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10 km. Đến 13 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190 km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120 km/giờ), giật cấp 13.
Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km.
Cảnh báo gió mạnh và sóng lớn trên biển:
Ở khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có mưa bão, gió xoáy mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4,0 – 6,0 m; biển động dữ dội. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển Bắc và Giữa Biển đông: cấp 3.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió Tây Nam nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.
Tại Ninh Bình
Nhằm ứng phó với bão CONSON, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã phát đi công điện số 05 yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm công tác phòng, chống thiên tai. Theo đó, cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để thông báo cho các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để tránh di chuyển vào vùng nguy hiểm. Cùng đó, đảm bảo an toàn cho các vùng NTTS trên biển, ven biển, gia cố bờ bao, lên phương án tiêu thoát nước.
Tại Thanh Hóa
UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương ven biển tập trung làm tốt công tác kiểm đếm phương tiện, đến 18 giờ ngày 9/9, tất cả các phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm phải vào nơi tránh trú an toàn, các phương tiện còn lại phải giữ liên lạc thường xuyên để được hướng dẫn vào nơi tránh trú an toàn; quản lý chặt chẽ phương tiện bè mảng, có biện pháp xử lý nghiêm những bè mảng không chấp hành biện pháp tránh trú bão; theo dõi sát diễn biến của bão để có phương án cấm biển phù hợp.
Đối với những phương tiện tàu, thuyền trở về từ vùng dịch, chính quyền địa phương phải tổ chức lẫy mẫu xét nghiệm ngay và bố trí khu cách ly tập trung riêng cho các ngư dân trên tàu, thuyền.
Đối với những hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao phải di dời, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho các hộ dân và hoàn thành trước 18 giờ ngày 10/9. Ngoài ra, việc cảnh báo và tổ chức sơ tán dân phải được thực hiện sớm hơn, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng bão vào mới sơ tán dân. Trong quá trình sơ tán dân phải tuân thủ nghiêm khuyến cáo “5K” và các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Nghệ An
Theo thống kê đến 10 giờ sáng ngày 9/9, tại địa bàn thị xã Hoàng Mai có tổng số 1.039 phương tiện với 6.280 lao động. Trong đó, tổng số tàu, thuyền đã neo đậu tại bến có 910 phương tiện/5.541 lao động (2 phương tiện/17 lao động của địa phương đã neo đậu tại Cửa Bình Châu – TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Còn lại 39 phương tiện với 290 lao động hoạt động tại khu vực Vịnh Bắc bộ; 5 phương tiện với 12 lao động hoạt động ven bờ biển tỉnh Nghệ An và 85 phương tiện với 437 lao động đang hoạt động tại vùng biển tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…
Tất cả các phương tiện chưa về bờ neo đậu đều không nằm trong vùng nguy hiểm và đã nhận được được thông tin về đường đi và vùng ảnh hưởng của cơn bão và đã có kế hoạch di chuyển tránh trú bão an toàn.
Tại Hà Tĩnh
Hiện tại các cảng cá Cửa Sót, Xuân Hội, Cửa Nhượng của tỉnh Hà Tĩnh có tất cả 344 tàu thuyền vào tránh gió bão. Riêng tổng tàu thuyền đang neo đậu, tránh trú bão tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) là 205 tàu (trong đó: địa phương 182 tàu, Nghệ an 20 tàu/40 người, Thanh hoá 3 tàu/9 người). Theo thống kê toàn tỉnh, hiện nay có hơn 3.692 phương tiện/14.939 lao động hoạt động trên biển đã vào nơi tránh trú an toàn.
Trước diễn biến của bão số 5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, duy trì quân số sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống xảy ra và đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Tại Quảng Bình
Bão số 5 có tên CONSON dự kiến trong 24 giờ tới sẽ đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh hơn. Do ảnh hưởng của bão, tại tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Để đảm bảo an toàn cho nhân dân, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống mưa bão. Đến nay, đã có hơn 6.400 phương tiện vào neo đậu, tránh trú bão tại các bến cảng. Trước diễn biến phức tạp của bão, ngành chức năng khuyến cáo, ngư dân nên khai báo y tế, lịch trình khai thác, thực hiện nghiêm an toàn phòng chống dịch và hạn chế thiệt hại do bão gây ra.
Để chủ động phòng, chống mưa bão, các hộ nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh đang khẩn trương thu hoạch tôm, cá các loại nhằm giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra. Hiện tại, người dân đã thu hoạch gần 10.000 tấn thủy hải sản các loại. Cụ thể, các huyện Lệ Thủy (gần 2.000 tấn), Quảng Ninh (hơn 1.200 tấn), Bố Trạch (gần 3.000 tấn) và TX Ba Đồn (gần 2.000 tấn)…
Tại Khánh Hòa
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, thời điểm 10 giờ ngày 9/9, Khánh Hòa có 514 tàu, 2.475 ngư dân đang hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển. Trong đó, có 8 tàu/63 ngư dân ở khu vực biển Trường Sa; 505 tàu/2398 ngư dân hoạt động khu vực biển từ Bình Định đến Bình Thuận; 1 tàu/14 ngư dân hoạt động ở vùng biển phía Nam. Toàn bộ các tàu và ngư dân đều đã nhận được thông tin về cơn bão số 5 và có kế hoạch phòng tránh an toàn. Đơn vị cũng đã duy trì 180 đồng chí/19 tàu xuồng, 9 ô tô, 80 xe máy… tham gia thường trực, sẵn sàng cơ động phòng chống, bão.