(TSVN) – Theo ông Willem van der Pijl, Chuyên gia phân tích ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) cao cấp của Aqua-Spark, sản xuất cá rô phi ở châu Phi cận Sahara có tiềm năng mở rộng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cá trong khu vực và tăng sản lượng xuất khẩu.
Ông cho biết trọng tâm của các quốc gia sản xuất cá rô phi ở khu vực cận Sahara, châu Phi nên là thúc đẩy và thu hút thêm đầu tư từ các nhà sản xuất cá rô phi quy mô lớn có khả năng đa dạng hóa sang chế biến, tiếp thị và phân phối thủy sản. Các trang trại nuôi cá rô phi quy mô lớn có vai trò quan trọng trong việc đưa cá rô phi thực hiện đúng mục tiêu của nó ở khu vực cận Sahara ở châu Phi, giống như trường hợp của Brazil.
Ông Pijl chia sẻ: “Brazil đã củng cố niềm tin của chúng tôi rằng các trang trại quy mô lớn có vai trò quan trọng trong việc đưa cá rô phi sản xuất ở khu vực cận Sahara ở châu Phi. Các trang trại lớn có thể thúc đẩy sự mở rộng ngắn hạn và trung hạn trong lĩnh vực nuôi cá lồng thông qua việc mở rộng quy mô các trang trại hiện có và phát triển các dự án cánh đồng xanh mới ở các vùng nước chưa sử dụng hết”.
Các trang trại nuôi cá rô phi lớn không chỉ cung cấp nhiều việc làm cần thiết mà còn “có thể thúc đẩy ngành công nghiệp cá rô phi địa phương thông qua các chương trình hỗ trợ nông dân quy mô nhỏ hơn với trang bị đầu vào và khả năng tiếp cận thị trường”.
Ông Pijl cho biết các chính phủ khu vực châu Phi cận Sahara nên thúc đẩy các chính sách đầu tư NTTS thuận lợi và hỗ trợ triển khai các hệ thống nuôi cá thâm canh để biến sản xuất cá rô phi trong khu vực thành một mô hình thành công nhân rộng, mặc dù ở mức độ thấp hơn của Ai Cập và Brazil – hai trong số những nhà sản xuất NTTS hàng đầu thế giới.
Mặc dù sản lượng cá rô phi của Châu Phi cận Sahara không thể so sánh trực tiếp với Ai Cập và Brazil do sự khác biệt trong phát triển về kinh tế, cơ sở hạ tầng cơ bản và sự tồn tại của tầng lớp trung lưu, tuy nhiên có một số yếu tố các chuyên gia quan sát thấy trong việc nuôi cá rô phi ở Ai Cập và Brazil có thể giúp xác định nhiều điều quan trọng giúp nghề nuôi cá rô phi ở châu Phi cận Sahara mở rộng hơn.
Hiện tại, hầu hết cá rô phi được sản xuất ở châu Phi – đặc biệt là Uganda, Nigeria, Zambia, Ghana, Kenya, Zimbabwe, Malawi, Tanzania và Bờ Biển Ngà – đều được tiêu thụ nội địa, với lượng xuất khẩu rất hạn chế, theo Tổ chức Nông lương (FAO). Cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết cá rô phi sông Nile là ứng cử viên chính trong NTTS thương mại ở châu Phi và trên toàn thế giới cho đến nay.
Là món ăn truyền thống và được yêu thích ở hầu hết các nước châu Phi, cá rô phi mang lại cơ hội tăng sản lượng thủy sản ở khu vực châu Phi cận Sahara và có thể giúp tăng tiêu thụ cá bình quân đầu người – hiện ước tính khoảng 8,9 kg, thấp hơn nhiều so với toàn cầu trung bình là 18,9 kg, theo FAO.
Sản lượng cá rô phi của toàn lục địa châu Phi ước tính đạt 1,6 triệu tấn vào năm 2017 từ cả nguồn nuôi tự nhiên và nuôi trồng, với các loài phổ biến là cá rô phi sông Nile và Oreochromis niloticus.
Mặc dù các khoản đầu tư NTTS của châu Phi cận Sahara thua xa so với các nhà sản xuất lớn của Brazil, vốn đã đầu tư vào các cơ sở chế biến, cấp đông, bảo quản lạnh, vận chuyển và tự đưa cá ra thị trường, khu vực này có thể học được vai trò của khu vực tư nhân và các trang trại lớn hơn trong việc phát triển các trang trại cá quy mô nhỏ để thúc đẩy chuỗi giá trị cá rô phi từ thị trường Mỹ Latinh.
“Ở châu Phi cận Sahara, khu vực tư nhân và đặc biệt là các trang trại lớn, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển sản xuất của những người nuôi cá quy mô nhỏ, và các hợp tác xã của Brazil có thể là một ví dụ điển hình về cách làm này”, ông van der Pijl cho biết.
Các hợp tác xã NTTS Copacol và C-Vale của Brazil đã phát triển thành công để cung cấp cho người nuôi cá rô phi quy mô nhỏ các đầu vào như thức ăn và cá giống, ngoài ra còn hỗ trợ họ các dịch vụ như xây dựng ao, cấp phép và thu hoạch. Sau đó, hợp tác xã thu mua lại cá đã sản xuất để chế biến. Theo ông van der Pijl, mô hình đó có thể được nhân rộng ở châu Phi. Hơn nữa, ngành công nghiệp cá rô phi ở châu Phi cận Sahara đòi hỏi “nguồn thức ăn có chất lượng nhưng giá cả phải chăng và di truyền tiên tiến là những yếu tố quan trọng để thành công”.
Tuy nhiên, nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi ở châu Phi cận Sahara đang nhanh chóng mở rộng, nhưng khả năng tiếp cận với các di truyền học tiên tiến vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, các chính phủ ở châu Phi cận Sahara cần phải thiết lập các khuôn khổ pháp lý cho phép khu vực tư nhân sản xuất và cung cấp thức ăn chăn nuôi có chất lượng và giá cả phải chăng.
Do đó, các chính phủ ở châu Phi cận Sahara có thể nhìn vào Ai Cập và Brazil để rút ra được bài học kinh nghiệm thực tiễn cho quốc gia mình.