(TSVN) – Theo ông Angga Kurniawan, Tổng Giám đốc PT Laju Banyu Semesta (Labas) – một trong những trang trại nuôi cá chình tiên phong ở Indonesia, ngành công nghiệp nuôi cá chình của nước này có tiềm năng rất lớn nếu tất cả các bên liên quan có thể tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ.
Cá chình từ lâu đã trở nên phổ biến trong thực đơn tại các nhà hàng Nhật Bản, được gọi là unagi và là một món ăn cao cấp. Mặc dù phổ biến nhưng nguồn cung lại bị hạn chế do các vấn đề kỹ thuật liên quan đến sản xuất cá chình và giá cả.
Cá chình có giá trị cao so các mặt hàng nước ngọt khác. Giá thành sản xuất cá chình thường dao động từ 90.000 – 120.000 IDR/kg. Giá bán tại trại dao động từ 150.000 – 160.000 IDR/kg, trong khi bán lẻ, giá có thể lên tới 300.000 IDR/kg.
Quá trình nuôi bắt đầu ở giai đoạn cá chình thủy tinh. Ông Kurniawan giải thích phải mất khoảng 18 tháng để nuôi những con cá chình thủy tinh này đạt kích thước 250 – 400 g. Tuy nhiên, việc nuôi cá chình vẫn còn nhiều rủi ro, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Có ít nhất 3 thách thức trong nuôi cá chình: tỷ lệ sống, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) và tốc độ tăng trưởng hàng ngày (DGR). Dựa trên nghiên cứu của mình, ông Kurniawan đã phân chia rủi ro bằng cách chia thành 3 giai đoạn nuôi: giai đoạn 1, giai đoạn 2 và giai đoạn nuôi thương phẩm.
Kỹ thuật viên kiểm tra bể nuôi cá chình thương phẩm. Ảnh: Thefishsite
Giai đoạn đầu tiên và giai đoạn thứ hai sử dụng một hệ thống tương tự nhau. Cả hai đều yêu cầu thực hành NTTS nghiêm ngặt, đặc biệt là trong quản lý nước. Nước phải không có mầm bệnh tiềm ẩn bằng cách sử dụng tia cực tím khử trùng trước khi thả giống. Sau khi thả cá chình, chất lượng nước được duy trì bằng cách sử dụng hệ thống NTTS tuần hoàn (RAS) và sục khí.
“Chúng tôi sử dụng tất cả các công cụ lọc trong RAS: sinh học, vật lý và hóa học. Cùng đó, bổ sung trực tiếp vào bể nuôi vi khuẩn nitrat hóa như Nitrosomonas và Nitrobacter. Những công cụ này nhằm giảm mức ammoniac tăng do thức ăn protein cần thiết cho cá chình. Với hệ thống này, chỉ cần bổ sung nước để thay thế lượng nước bị mất đi do bay hơi”, ông Kurniawan giải thích.
Giai đoạn đầu tiên được thực hiện trong khoảng 4 tháng, trải dài từ giai đoạn cá chình thủy tinh đến giai đoạn cá chình con (3 g). Trong giai đoạn này, việc nuôi cấy diễn ra trong nhà để duy trì nhiệt độ ổn định và giảm mức độ ánh sáng, phù hợp với bản tính ăn đêm của cá chình. Đối tượng được nuôi trong bể sợi thủy tinh đường kính 1,25 m, mỗi bể chứa 600 – 1.000 g cá chình.
Bên cạnh quản lý nước, quản lý thức ăn cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Cá chình thủy tinh vẫn phụ thuộc vào thức ăn tự nhiên như giun bùn (Tubifex sp.) và được trộn với thức ăn dạng sệt có hàm lượng protein rất cao (60%). Về nguyên tắc, cá chình ăn bằng cách dựa vào khứu giác. Thức ăn dạng bột hòa tan nhanh hơn trong nước và kết cấu mềm, giúp cá chình dễ dàng thích nghi với việc ăn uống.
Sử dụng một hệ thống như này có nghĩa là tỷ lệ sống có thể đạt 60% trong giai đoạn đầu, trong khi FCR nên vào khoảng 2 (tức là cần 2 kg thức ăn để sản xuất 1 kg cá).
Hệ thống này tương đối giống trong giai đoạn ương thứ hai, mặc dù đường kính của các bể được sử dụng lớn hơn, đường kính từ 1,5 – 2 m và mật độ thả tăng lên 4 – 5 kg/bể. Sự khác biệt chính là cá chình hiện có thể được cho ăn thức ăn hỗn hợp hoàn toàn với hàm lượng protein từ 50 – 55%.
Giai đoạn thứ hai kéo dài khoảng 7 tháng, khi đó cá chình đạt trọng lượng khoảng 25 g/con. Ông Kurniawan cho biết, tỷ lệ sống sót trong giai đoạn này cao hơn, lý tưởng là 80 – 90%.
Sau khi đạt 25 g/con, cá chình bước vào giai đoạn nuôi thương phẩm. Ở giai đoạn cuối này, cá chình đã khỏe hơn và có thể thích nghi tốt với nhiều loại hệ thống nuôi, bao gồm: Hệ thống dòng chảy, hệ thống tuần hoàn (RAS), hệ thống nước xanh và Biofloc – ngoài trời hoặc trong nhà. Theo ông Kurniawan, trọng tâm chính của giai đoạn nuôi thương phẩm là đảm bảo quản lý thức ăn tốt, sử dụng thức ăn có hàm lượng protein từ 40 – 45%.
Cá chình thường cần khoảng 8 tháng trong giai đoạn cuối cùng này, lúc đó chúng đạt khoảng 250 – 400 g/con, kích thước phổ biến nhất đối với người tiêu dùng. Tỷ lệ sống trong giai đoạn nuôi thương phẩm thường là 90 – 95% và mật độ thả 20 – 25 kg/22,5 m3.
Dựa trên kinh nghiệm của mình trong 10 năm qua, ông Kurniawan tin rằng một hệ thống canh tác như vậy cần được phát triển và nhân rộng để tăng sản lượng tại địa phương và mang lại cho nông dân cơ hội đa dạng hóa.
Tuệ Nhi
Theo Thefishsite