Rất nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi và Bình Định thu lợi hàng tỷ đồng trong mùa biển vừa rồi, nhờ lòng dũng cảm, kinh nghiệm trên biển. Và quan trọng nhất, họ đã chuyển nghề đúng lúc để có được lượng cá lớn từ ngư trường trên biển đảo quê hương.
Bắt cá ngừ từ phận cá chuồn
Tại cửa biển Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định), tàu cá QNg 97217 TS của thuyền trưởng Huỳnh Tấn Nghĩa tiến vào bến bán cá. Chủ tàu, ông Huỳnh Văn Minh (ở xã Nghĩa An, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), cũng là cha ruột thuyền trưởng Nghĩa.
Thuyền trưởng Huỳnh Tấn Nghĩa và con cá ngừ to hơn thân người .
Ba hầm cá trên tàu anh Nghĩa bật nắp, những con cá ngừ da xanh mướt, tươi rói, trọng lượng 40 – 50 kg nằm ngang dọc dưới hầm tàu. Tổng cộng 135 con cá ngừ.
Theo ngư dân Bình Định, cứ một đêm câu dính 10 con coi như đã thành công. Nhưng tàu của anh Nghĩa có đêm dính câu đến 25 con. Cá ngừ đại dương được thu mua tại tỉnh Bình Định với giá từ 85.000 – 135.000 đồng/kg.
Mẻ cá của anh Nghĩa bán được hơn 400 triệu đồng, trong khi chi phí chỉ gần 100 triệu đồng. Trước phiên biển này, tàu của cha con ông Minh từng có chuyến đi câu “chớp nhoáng”, bán trọn gói kiếm được 600 triệu đồng.
Ngư dân Tư Nghĩa, Quảng Ngãi thu hoạch cá ngừ đại dương.
Tại bến Tam Quan Bắc, hơn 2.500 chiếc tàu chuyên câu cá ngừ đại dương của người dân địa phương neo một dãy dài ngủ đông. Vậy nhưng đoàn thuyền 10 chiếc của ngư dân Quảng Ngãi vẫn bươn ra khơi vượt sóng gió.
Ông Thạnh, một ngư dân ở cửa biển này, thừa nhận: “Mấy tàu Quảng Ngãi mới chuyển nghề mà đã thắng liên tục, trong khi dân bò gù (cá ngừ đại dương) chuyên nghiệp thì tính tới tính lui sợ gió, sợ lỗ nên ở nhà”.
Bí quyết đơn giản của ngư dân Quảng Ngãi, đó là trước khi chuyển nghề câu cá ngừ đại dương, đây là đoàn tàu đánh lưới chuồn thiện chiến, chịu đựng sóng gió rất giỏi, khi nào đủ cá mới quay vào bờ.
Đánh cá chuồn, phải là những ngư dân chịu sóng gió rất giỏi. Cả ngày lẫn đêm, các ngư dân ướt nhẹp sóng biển. Vậy nhưng khi vào bờ, cá chuồn được chủ nậu thu mua với giá rẻ mạt. Mỗi năm đi bạn, mang theo phần lưới trên tàu, một ngư dân chỉ kiếm được khoảng 40-50 triệu đồng.
Tháng 5-2012, ông Minh quyết định chuyển nghề, không theo đuôi con cá chuồn nữa. Đi câu cá ngừ đại dương bằng đèn pha, các ngư dân chỉ mang theo 4 ống dây câu.
Thấy đi biển mà không mang thứ gì, các ngư dân đi bạn không dám bước lên tàu. Vậy là ông Minh lại bỏ ra thêm 100 triệu đồng để sắm thêm giàn lưới chụp.
“Thôi, anh em bay đi biển câu cá ngừ, nếu sợ thất bại, hoặc gặp lúc không có cá thì chơi nghề mành chụp”. Nghe lọt tai, các ngư dân mới xuống đi bạn. Nhưng, kể từ ngày đi câu tới giờ, chưa bao giờ các ngư dân phải mang loại “vũ khí thứ 2” ra sử dụng.
Các ngư dân có mặt ở vùng biển đầy sóng gió. Biển động cấp 8, cả đoàn tàu câu cá ngừ đại dương rút êm, còn đội ngư dân này vẫn tung tăng trên sóng.
Nếu sóng gió mạnh hơn, tàu không vào bờ mà bấm định vị, cắt gió để chạy ra khỏi vùng ảnh hưởng. Khi cần thì cứ áp sát vô quần đảo Hoàng Sa tránh gió.
Ngoài bí quyết bám biển và chạy bão, đoàn tàu câu cá ngừ đại dương của tỉnh Quảng Ngãi thành lập đội đoàn kết. Cứ 2-3 chiếc liên kết nhau để cung cấp thông tin về luồng cá ngừ.
Ngư dân trên tàu ông Minh thống kê thu nhập từ 4 chuyến vừa qua: 200 triệu – 250 triệu – 600 triệu – 430 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi ngư dân đi bạn được chia phần gần 80 triệu đồng sau 4 chuyến biển. Số tiền này gần gấp đôi một năm đi bạn nghề lưới chuồn khơi.
Tàu QNg 907068 TS của ngư dân Phạm Hết thống kê thu nhập trong 4 phiên biển: 200 triệu – 250 triệu – 350 triệu – 400 triệu đồng. Nhìn chung, cứ mỗi phiên biển, thu nhập lại tăng lên.
Trở lại Trường Sa bằng nghề lưới rút
Thuyền trưởng được 1,88 tỷ, phần bạn có lưới 240 triệu, phần bạn không lưới là 175 triệu… Ngư dân ở làng chài Bình Chánh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) nể phục khi chứng kiến ngư dân tàu Võ Lung chia lợi tức một năm đánh bắt với số tiền khủng.
Giàn lưới rút trị giá gần 1 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Trung.
Tại xóm cát Bàu Chuốt (xã Bình Chánh), vợ chồng thuyền trưởng Võ Lung đang tất bật chuyển nhà. Tổng kết năm, tàu anh Lung đánh bắt thành công, thu về bạc tỷ nên anh quyết định cất hẳn một ngôi nhà to và tiếp tục chung phần hùn để sắm thêm con tàu trong năm 2013.
Chỉ vào đống lưới, thuyền trưởng Võ Lung cho biết: “Giàn lưới rút này giá gần 1 tỷ đồng, ngang một chiếc tàu”. Thay vì giàn lưới rút cao 70m, dài 500m trước kia, hiện giàn lưới rút đánh bắt xa bờ có chiều cao 114m, dài gần 900m. Khi ra khơi, bung một phát lưới, 30 tấn cá có thể được hốt trọn vào chiếc “phễu” này.
Trên con tàu làm nghề lưới rút cây, vị trí của ông thuyền trưởng không phải chỉ chui trong ca bin quay bánh lái. Mà phải thường xuyên ngồi trên nóc tàu, đảo mắt quan sát khắp mặt biển như chiếc ra đa.
Mỗi khi phát hiện có vật lạ trôi nổi thì phải tận lực xem xét. Bởi giữa biển khơi, đàn cá luôn chọn những cây gỗ để quần tụ thành bầy. Số lượng cá cây đôi khi lên đến vài chục tấn, phải huy động 3 tàu đến vây.
Thuyền trưởng Lung là một trong những ngư dân tiên phong chuyển đổi nghề. Trước đây, tàu của anh mỗi năm bám biển Trường Sa 9 tháng để câu mực khơi.
Những đêm thức trắng gác bộ đàm cho anh em xuống thúng đi câu, nhìn đàn cá dày đặc lượn quanh thuyền, anh Lung quyết định chuyển nghề lưới rút để hốt những bầy cá mà theo anh, “chỉ cần một phát lưới là đổ đầy tàu”.
Quyết là làm. Lung vào Bình Định xin liên kết với đội tàu lưới rút nổi tiếng của ông Sáu Ái. Anh Lung vốn có thương hiệu, nên ông Sáu Ái dễ dàng gật đầu để sung vào đội đánh bắt.
Từng làm nghề câu mực nổi tiếng là chịu sóng gió, nên khi chuyển nghề lưới rút, tàu của anh Lung trở thành con kình ngư thiện chiến, nhanh chóng đánh bắt thành công hơn cả dân bản địa.
Trên biển Trường Sa mỗi ngày vẫn có hàng trăm con tàu câu mực cùng quê Bình Chánh – Bình Sơn. Thuyền trưởng Lung liên tục nối sóng với những tàu bạn.
“Chương trình khuyến mãi cá” được anh gửi đến các thuyền trưởng. Đó là tàu nào cung cấp tọa độ có cây, tàu đó được hưởng trọn gói 3 phần lợi tức. Bằng cách cùng chia nhau hưởng lợi trên, anh Lung có thêm hàng ngàn tai mắt trên biển để dò luồng cá.
Trong chuyến biển cuối năm, từ tin báo của một tàu đồng hương, anh hốt được mẻ cá bạc tỷ. Còn tàu bạn cũng được chia thưởng hơn 560 triệu đồng – số tiền lớn hơn cả một tháng đi lưới.
Vào mùa biển mới
Tàu anh Lung luôn trang bị đầy đủ thiết bị đánh bắt hiện đại như Icom tầm xa, máy tầm ngư, máy dò. Mỗi thiết bị đều mua 2 cái để dự phòng. Những ngày cuối đông, trường đà ven sông Trà Bồng rầm rập tiếng máy, các ngư dân đang tấp nập cải hoán chuyển đổi sang nghề lưới rút vây.
Thay đổi nghề nghiệp, các chủ tàu chỉ việc hạ giàn câu mực, đóng vị trí ngồi cho thuyền trưởng trên nóc tàu, gắn hệ thống cần trục để rút dây. Các ngư dân dự tính, cuối năm sẽ khởi hành phiên biển đầu tiên. Nếu cần thì ăn Tết luôn trên biển.
Ở vùng biển Sa Cần, hai làng chài Bình Chánh và Bình Thạnh (Bình Sơn) giống như 2 anh em. Ngư dân Bình Chánh chuyên câu mực khơi rất giỏi sóng gió, còn làng Bình Thạnh chuyên nghề lưới rút bờ.
Vậy là làng lưới rút kết hợp với làng câu mực. Một bên giỏi đi biển, một bên nắm kỹ thuật nghề. Bước sang năm 2012, có 30 tàu ngư dân liên kết 2 làng và đều đánh bắt thành công.
Ông Lê Hồng Hải, chủ tàu QNg 95490 TS cho biết: “Làm biển phải năng động, nghề nào thành công thì mình chuyển đổi, nhờ anh em hỗ trợ, chắc chắn là thành công”.
Bước sang năm 2013, ông Hải quyết định tạm gác nghề câu mực để làm lưới rút. Ông Hải yên tâm, vì thuyền trưởng Võ Lung đã bỏ tiền để chung phần hùn. Ra Trường Sa, 2 chiếc sẽ cùng nhau đi kẹp.Tàu ông Lê Hồng Hải dài đến 23 mét, rộng 7,1 mét, cao 3,1 mét. Tàu to nhất làng chài, ông Hải phải gắn 2 máy, tổng công suất 1.000 mã lực. Chiếc tàu này có công suất lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi.
Mỗi khi ra khơi, chiếc tàu lao vút đi với vận tốc lên đến 12 hải lý/giờ. Ông Hải quả quyết: “Tàu cao tốc mà ra Trường Sa làm nghề lưới rút chắc chắn sẽ trúng đậm”.
>> Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước có khoảng 2.500 tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương. Việt Nam xuất khẩu cá ngừ thứ 3 trên thế giới. Tuy nhiên, ngư dân tại nhiều địa phương câu cá ngừ truyền thống đang gặp khó vì đánh bắt không thành công. |