(TSVN) – Nhật Bản đã nhập khẩu nhiều mực Humboldt hơn từ Peru trong những năm gần đây, chủ yếu để sử dụng trong các sản phẩm chế biến thay thế mực bay nội địa của Nhật Bản.
Năm 2017 là năm đầu tiên Hải quan Nhật Bản báo cáo nhập khẩu từ Peru theo mã thuế quan 0307.43.030. Mã này bao gồm mực bay Nhật Bản (Todarodes pacificus), mực bay jumbo (Dosidicus gigas, còn gọi là mực Humboldt), mực Nhật Bản (Loliolus spp .), mực ống vây ngắn (Illex spp.) và mực “đom đóm” (Watasenia scintillans). Tuy nhiên, những con mực được đánh bắt ở bờ biển phía Tây Nam Mỹ từ quần đảo Galapagos đến Nam Chile chủ yếu là loài Humboldt. Một số mực ống vây ngắn cũng được tìm thấy ở phía bên kia của lục địa, ngoài khơi quần đảo Falkland, Argentina và Uruguay.
Theo hồ sơ của Hải quan Nhật Bản, số lượng nhập khẩu mực từ Peru trong năm 2017 là 11,6 triệu kg, trị giá 2,5 tỷ JPY (22,8 triệu USD, 19,3 triệu EUR). Trong khi, giá trị mỗi kg biến động theo từng năm, khối lượng kể từ đó cho thấy xu hướng tăng chung: lên 13,4 triệu kg, trị giá 3,8 tỷ JPY (34,7 triệu USD, 29,4 triệu EUR) vào năm 2018; lên 15,3 triệu kg, trị giá 3,85 tỷ JPY (35,1 triệu USD, 29,7 triệu EUR) vào năm 2019; và 17,1 triệu kg, trị giá 3,45 tỷ JPY (31,5 triệu USD, 26,7 triệu EUR) vào năm 2020. Số này không tính mực xuất khẩu ở dạng chế biến.
Mực Humboldt phát triển từ kích thước từ 1 mm đến hơn 1 m chỉ trong một năm, và vòng đời từ 1 – 2 năm. Phạm vi sống của loài mực này đang mở rộng do sự nóng lên toàn cầu. Ở Bắc bán cầu, chúng đã xuất hiện quanh năm tại Vịnh Monterey, California, Hoa Kỳ và di chuyển về phía Bắc như Alaska. Ở Nam bán cầu, loài mực này cũng đang mở rộng phạm vi sang Chile.