Nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp đa giá trị

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Phát biểu tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ 4 – 7/10, tại Hà Nội; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, trước nhiều thách thức thời gian qua, ngành nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Nhưng, cùng với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp “đa giá trị”.

Gợi mở từ “Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050” vừa được Chính phủ ban hành, ngành nông nghiệp xác định yêu cầu chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp đa giá trị.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tích hợp đa giá trị là tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp diện tích và chịu tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Tích hợp đa giá trị là tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thay cho thực trạng ngành nông nghiệp tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động cũng như tài nguyên thiên nhiên. Tích hợp đa giá trị là kết tinh tài nguyên bản địa, với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến, và cả những bản sắc văn hóa – xã hội, tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Tích hợp đa giá trị là kết nối hài hòa nông nghiệp truyền thống với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thông minh, tuần hoàn… Với cách thức tiếp cận đa giá trị, các công trình hạ tầng, các đề án, kế hoạch phục vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hay mở rộng ra đến tất cả các vấn đề của ngành nông nghiệp, đều có thể được quan sát, nhìn nhận trong tổng thể của sự kết nối, của tính đa công dụng, đa chức năng, đa mục tiêu.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp còn đặt ra yêu cầu nhất định về khả năng tiếp cận, trình độ ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Khoa học, kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng trong nông nghiệp, nhưng chưa phải tất cả. Khi chưa thể ứng dụng được ngay những thành tựu tiên tiến nhất, chúng ta vẫn có thể nhìn nhận những điều đang có theo một cách nhìn mới, góc độ mới. Đó là tận dụng tối đa nguồn lực hiện hữu, để mang đến những giá trị mới cho những điều vốn tưởng chừng không có nhiều giá trị – những điều sẵn có trong tự nhiên, gần gũi với sinh hoạt ngày thường, thân thiện với môi trường. Từ đấy, những phụ phẩm nông nghiệp không còn bị lãng phí, mà được làm mới giá trị, trở thành một sản phẩm hiện diện trong vòng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Để ngành nông nghiệp tiếp tục đảm trách vai trò trụ đỡ bền vững, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030 đang được Bộ NN&PTNT dự thảo và lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước và sẽ trình trong cuối quý IV/2021. Chiến lược này sẽ hiện thực hóa các quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đại hội XIII của Đảng. Đó là, nhấn mạnh đến đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp dựa trên động lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới; Chiến lược xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh”.

>> Theo Bộ NN&PTNT, 3 tháng cuối năm, vừa đảm bảo thực phẩm trong nước vừa duy trì kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Theo đó, ngành tập trung 4 nhóm giải pháp về đẩy mạnh sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, dịch bệnh; tháo gỡ rào cản và thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu này, lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản đòi hỏi phải tăng trưởng mạnh hơn trong quý IV/2021.

Diệu An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!