(TSVN) – Ngày 8/10/2021 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì Hội nghị Đối tác Phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV). Hội nghị thu hút hơn 100 đại biểu tham gia, trong đó có 64 đại biểu tham gia trực tuyến là các doanh nghiệp quốc tế và Việt Nam, Đại diện Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các Nhóm công tác PPP và các ban ngành, tổ chức trong nước và quốc tế.
PSAV được thành lập năm 2010 theo “Sáng kiến tầm nhìn mới cho Nông nghiệp” hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững; tăng 20% năng suất, giảm 20% đói nghèo, và giảm 20% phát thải trong sản xuất nông nghiệp (mục tiêu 20-20-20).
Nhóm đối tác công – tư ngành thủy sản (PPP thủy sản) là một trong 8 nhóm thuộc PSAV, do Tổng cục Thủy sản làm Trưởng nhóm. Mô hình PPP đã được thể chế hóa tại Việt Nam và được đánh giá là mô hình có triển vọng thúc đẩy sản xuất bền vững. Đối với PPP thủy sản, Nhóm ngành hàng tôm (SWG) được xem là nhóm tiền đề quan trọng trong điển hình Hợp tác công tư, SWG do ba bên đồng trưởng nhóm gồm: Tổng cục Thủy sản, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và GIZ; Mục tiêu là tối ưu hóa các cơ hội phát triển, đẩy mạnh hợp tác cả về chính sách và thực hành sản xuất tốt đối với ngành tôm Việt Nam để nâng cao giá trị và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.
“Nếu chúng ta triển khai tốt hợp tác theo hình thức đối tác công – tư thì đây là cơ chế có thể giúp hiện đại hóa ngành thủy sản dựa trên việc huy động nguồn lực và dòng vốn đầu tư và kiến thức, kỹ năng quản trị từ khu vực tư nhân và đối tác phát triển để giúp khu vực công đổi mới theo định hướng phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả. Với đặc thù ngành tôm vẫn còn nhiều thách thức, trong khi cần phải đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao và số hóa thì giải pháp hợp tác quốc tế, khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua cơ chế đối tác công – tư (PPP) là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm thức đẩy phát triển ngành hàng tôm trở thành ngành kinh tế chủ đạo tại khu vực trọng điểm như ĐBSCL và góp phần phát triển ngành thủy sản một cách bền vững hơn”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, TS. Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Hiện nay, Nhóm SWG đang thực hiện một số dự án với sự phối hợp của các đối tác như Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn Lộc Trời… Trong đó có dự án tiêu biểu như: Mô hình thúc đẩy mô hình lúa – tôm và tôm – rừng bền vững đạt chứng nhận hữu cơ tại vùng ĐBSCL. Đây là mô hình thích ứng tốt nhất với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn tại ĐBSCL, đồng thời góp phần mở rộng cơ hội phát triển thị trường: thị trường EU đã tăng từ 2% (năm 2016) lên 5% (năm 2020) sử dụng sản phẩm hữu cơ. Theo đánh giá, đây là mô hình mà bà con nông dân dễ thích nghi khi triển khai các yêu cầu về Chứng nhận với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và các tổ chức phát triển.
Bên cạnh đó, Nhóm cũng xây dựng Quy chế hoạt động và đề xuất các định hướng trong thời gian tới: Đẩy mạnh các giải pháp công nghệ nuôi tôm công nghệ cao, tôm sinh thái; Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm tôm thế mạnh: tôm sú size lớn, tôm sinh thái, tôm chế biến; Kết nối và đẩy mạnh thị trường tiềm năng (thị trường có FTA); Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; Tăng cường quản lý và giám sát chất lượng môi trường; Nâng cao năng lực cho người nuôi để đáp ứng về các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững về môi trường và xã hội trong sản xuất.
Theo VASEP, dự tính tới năm 2025, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 12 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 5 năm (từ năm 2020 – 2025). Khối lượng xuất khẩu tới năm 2025 tương đương khoảng 6 triệu tấn. Trong đó, 4,7 – 4,8 triệu tấn sản xuất trong nước, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu dự kiến khoảng 1,2 đến 1,3 triệu tấn (khoảng 2,4 – 2,6 tỷ USD). Tuy nhiên, tôm vẫn được dự báo là tăng trưởng cao nhất, khoảng 5,5 tỷ USD.
Trong khuôn khổ Hội nghị PSAV, Bộ NN&PTNT đã chia sẻ về Sáng kiến Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (Food Innovation Hub) tại các vùng trọng điểm của Việt Nam. Đây là mô hình liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong nước và xuyên biên giới nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ kỹ thuật số thông qua đó thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh; mở rộng quy mô và đẩy nhanh việc chuyển đổi các hệ thống thực phẩm hiện tại của Việt Nam thành một cường quốc lương thực, thực phẩm “xanh”, bền vững, phát thải thấp.