Để kinh tế HTX là nhân tố “đầu tàu”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – HTX nông nghiệp có vai trò liên kết sản xuất, kết nối nông dân với các doanh nghiệp và là nền tảng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì vậy, cần có giải pháp cho sự phát triển HTX và coi HTX là một thành phần của kinh tế nông thôn, từ đó thúc đẩy nông dân liên kết sản xuất, tạo sức mạnh cho ngành nông nghiệp.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, số lượng HTX nông nghiệp đã tăng 12.569. Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm tăng thêm 800 HTX. Năm 2020, doanh thu của các HTX đạt bình quân 2,44 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên đạt 40,5 triệu đồng/năm, gấp 9,1 lần so năm 2001. Đến nay, cả nước có 2.297 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp trong HTX và 2.200 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất. Đặc biệt, đã có 4.339 HTX đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số HTX nông nghiệp. Trong tổng số trên 5.000 sản phẩm OCOP cả nước, có 39% số sản phẩm thuộc về các THT, HTX.

Phát triển HTX thủy sản chính là một hướng đi mới để định hướng cho người dân hợp tác để phát triển nghề thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững. Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 67 HTX thủy sản (chiếm 12,2% trong tổng số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp); trong đó có 64 HTX thủy sản đang hoạt động (chiếm 95,5%), 3 HTX thủy sản ngừng hoạt động (chiếm 4,5%). Một số địa phương có số lượng HTX thủy sản nhiều như: Huyện Kỳ Anh (14 HTX), huyện Thạch Hà (13 HTX), huyện Cẩm Xuyên (12 HTX),… 

Tuy nhiên, khó khăn, hạn chế của các HTX thủy sản trong cả nước nói chung và tại tỉnh Đồng Tháp nói riêng hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hạn chế, thiếu kinh nghiệm quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh. Tư duy phát triển sản xuất, kinh doanh chưa theo kịp với sự phát triển của cơ chế thị trường. Hiện nay, phần lớn các HTX chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh khả thi dẫn đến hoạt động chưa đạt hiệu quả, gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi đối với HTX. Bên cạnh đó, vai trò của HTX trong việc giải quyết đầu vào và đầu ra cho các hộ sản xuất còn hạn chế…

Theo nhận định chung, trong thời gian tới, các quốc gia tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng kinh tế ASEAN, WTO, CPTPP, với tầm mức sâu rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Từ đó, yêu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chất lượng, an toàn, đặc biệt là nông sản, thực phẩm là xu hướng tất yếu, đòi hỏi các HTX phải hợp tác, liên kết sản xuất, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, hoạt động của các HTX cũng cần thay đổi, linh hoạt chuyển hóa để thích ứng với tình hình là sự phát triển của hình thức mua bán trực tuyến, kết nối đầu ra hàng hóa thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Đây được xem là xu thế chủ đạo giúp cho các HTX ổn định sản xuất, phát triển thêm kênh tiêu thụ. 

Được biết, tính từ giữa tháng 8/2021 đến nay, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác ở các tỉnh, thành trên cả nước tiêu thụ gần 140.000 tấn rau củ quả, trái cây và thủy sản; tiêu thụ hàng ngàn mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do các HTX, tổ hợp tác sản xuất; tổ chức 10 đầu mối bán hàng online và offline tại các vùng miền, với 5.000 cửa hàng sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm cho HTX, tổ hợp tác khi có nhu cầu bán hàng… Các hoạt động này bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ nông sản cũng như tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận và biết cách giao dịch trên sàn thương mại điện tử, để phát triển thêm kênh bán hàng, hạn chế thiệt hại cho các HTX, tổ hợp tác trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, Nghị quyết 13 và Luật HTX 2012 đã tạo động lực, cơ chế phát triển cho kinh tế tập thể, HTX theo mô hình HTX kiểu mới, nhất là các HTX nông nghiệp. Về quan điểm phát triển trong thời gian tới, cần tập trung hơn nữa cho kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp, nông thôn, lấy HTX nông nghiệp làm trung tâm để có chính sách đầu tư phù hợp; tiếp tục nâng cao năng lực nội tại của HTX nông nghiệp, phát huy tầm ảnh hưởng của kinh tế tập thể, HTX đối với cộng đồng; phát triển HTX nông nghiệp theo hướng đa mục tiêu để đáp ứng yêu cầu thực tiễn… Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển HTX nông nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nhân lực, thu hút cán bộ trẻ đã qua đào tạo vào HTX; khuyến khích HTX nông nghiệp ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ; hỗ trợ HTX nông nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là hạ tầng logictics; nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX…

>> Được biết, Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị trình Chính phủ chương trình logictics cho ngành nông nghiệp để hạn chế ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng qua những đại dịch, thiên tai, trong đó HTX sẽ là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!