Tại xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà tỉnh Hà Tĩnh), ngoài nghề chính nuôi nghêu, gần đây phát triển thêm nghề nuôi cá lồng bè trên sông, bước đầu cho thu nhập khá. Đây là một nghề nuôi mới đầy tiềm năng.
Vùng nuôi triển vọng
Là một trong những người đầu tiên ở xã Mai Phụ nuôi cá lồng bè, ông Lê Viết Vinh cho biết: Sau nhiều năm đi biển, thấy khai thác nguồn lợi từ biển ngày càng khó, do giá xăng dầu tăng cao, đầu tư dụng cụ đi biển tốn kém, anh nảy ra ý định nuôi cá lồng bè trên sông Cửa Sót. Năm 2011, sau khi đi học kinh nghiệm một số địa phương trong tỉnh có nuôi cá lồng bè, cùng với sự giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật thủy sản huyện Lộc Hà, gia đình anh đầu tư hơn 100m3 lồng nuôi, chia làm 6 ô (mỗi ô 18m3). Anh đã thả nuôi 2.000 con giống cá chẽm, kích cỡ 8 – 10 cm/con, mật độ thả nuôi 20 con/m3. Sau 7 tháng nuôi thì xuất bán, trọng lượng trung bình 0,7 – 1 kg/con, trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng.
Nuôi cá lồng bè tại xã Mai Phụ
Từ hiệu quả và kinh nghiệm đã có, năm nay anh thả nuôi nhiều hơn (3.000 con), mật độ thả cao hơn (30 con/m3) trên quy mô hơn 100m3. Đến thời điểm này, sau gần 5 tháng nuôi, cá đã đạt trọng lượng 0,7 – 1 kg/con. Anh dự kiến, với 7 – 8 tháng nuôi, cá sống 90%, nặng 1 – 1,5 kg/con, sẽ thu được 2,7 tấn cá thương phẩm (năng suất 27 kg/m3), nếu giá bán như hiện nay (100.000 đồng/kg) sẽ lãi hơn 100 triệu đồng. Theo anh Vinh, nuôi cá lồng bè hiệu quả hơn nhiều so với đánh bắt ngoài khơi; đầu tư vốn không cao, kỹ thuật nuôi không khó, quan trọng nhất phải biết chăm sóc đúng kỹ thuật…
Sau hộ Lê Viết Vinh, nhiều hộ khác cũng mạnh dạn nuôi cá mú, chẽm, hồng Mỹ, bằng lồng bè trên sông, thu nhập 100 – 120 triệu đồng/năm, như các hộ gia đình Lê Xuân Giáp, Nguyễn Văn Tiến vừa nuôi nghêu trên bãi triều vừa nuôi cá lồng bè trên sông. Nuôi nghêu trên bãi triều phải tốn tiền thuê người bảo vệ, nhưng nuôi cá lồng trên sông thì một công mấy việc: vừa nuôi cá vừa bảo vệ được nghêu; cùng lúc đảm bảo an toàn, giảm chí phí, tăng thu nhập.
Chưa xứng tiềm năng
Ông Nguyễn Đức Hậu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mai Phụ cho biết: Qua 2 năm phát triển, đã thấy nghề nuôi cá lồng bè góp phần khai thác tốt tiềm năng tự nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân; song cũng thấy chưa phát triển tương xứng tiềm năng đó. Thời gian tới xã tiếp tục khuyến khích phát triển nghề này, tạo thuận lợi cho ngư dân đầu tư, quy hoạch chi tiết gắn với quản lý vùng nuôi, nhằm phát triển nuôi cá lồng bè trên sông bền vững. Cũng theo ông Hậu, để phát triển nghề này có hiệu quả, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh khuyến ngư, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng và trị bệnh cho cá, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành; Nhà nước cần tạo thuận lợi cho ngư dân vay vốn.
>> Với một số loại cá (chẽm, hồng Mỹ…) nuôi trong lồng bè nhiều ưu điểm hơn trong ao đất (có thể nuôi thâm canh, dễ chăm sóc, quản lý hơn). Ngoài ra, cho ăn bằng thức ăn cá tạp sẽ không làm nhiễm bẩn vùng nuôi và cá khỏe mạnh; đồng thời, rút ngắn thời gian nuôi, cá phát triển nhanh, kích cỡ thương phẩm lớn, năng suất cao hơn… |