Đánh giá việc triển khai những giải pháp về chính sách nhằm khôi phục sản xuất NTTS sau bão lũ ở miền Trung năm 2020

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Từ việc triển khai các giải pháp về chính sách đối với NTTS trong đợt bão lũ ở miền Trung năm 2020, công tác chỉ đạo, phòng chống bão lũ, những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế sản xuất; đảm bảo phát triển NTTS bền vững, chủ động ứng phó và khôi phục sản xuất hiệu quả sau bão lũ trong tương lai.

Đặt vấn đề

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) những năm qua có bước phát triển mạnh mẽ, theo VASEP, năm 2020 sản lượng đạt 8,4 triệu tấn, xuất khẩu 8,5 tỷ USD. Mặc dù vậy NTTS cũng gặp nhiều khó khăn gây thiệt hại cho sản xuất như: suy thoái môi trường, dịch bệnh, biến đổi khí hậu hay thiên tai, bão lũ… Thiên tai do bão lũ ở nước ta xảy ra hàng năm và gây thiệt hại rất lớn đối với nền kinh tế, con người, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản…

Trước tình hình này, nhiều chủ trương, chính sách cấp thiết của Đảng, Nhà nước đã được ban hành và triển khai kịp thời điển hình là đợt bão lũ ở miền Trung cuối năm 2020. Kết hợp với những chủ trương, chính sách được triển khai từ trước đã giúp người dân vùng lũ từng bước ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, một số chính sách vẫn còn bất cập, cần được sửa đổi.

Bài viết đề cập việc triển khai các giải pháp về chính sách đối với NTTS trong đợt bão lũ ở miền Trung năm 2020. Qua đó cho thấy, bức tranh chung về công tác chỉ đạo, phòng chống bão lũ, những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế sản xuất; đảm bảo phát triển NTTS bền vững, chủ động ứng phó và khôi phục sản xuất hiệu quả sau bão lũ trong tương lai.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ miền Trung năm 2020. Ảnh: Phan Trọng Bình

Nội dung

Đánh giá những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc khắc phục hậu quả sau bão lũ đối với NTTS ở miền Trung cuối năm 2020.

Phương pháp nghiên cứu

Thu thập thông tin dữ liệu sơ cấp và thứ cấp về thiệt hại do bão lũ, các giải pháp phát triển NTTS và phục hồi sản xuất sau bão lũ qua các nguồn: Báo cáo của các địa phương, báo cáo khoa học, thông tin trên các trang web đại chúng để tổng hợp, đánh giá.

Kết quả

Những chủ trương, chính sách cấp thiết của Đảng, Nhà nước khi những trận bão lũ lớn xảy ra tại miền Trung cuối năm 2020

Bão lũ miền Trung năm 2020 gây thiệt hại nặng nề về con người, cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp và NTTS… Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội năm 2020: Bão lũ làm 235 người chết, hơn 200.000 ngôi nhà bị hư hỏng, hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ biển bị hư hỏng (Báo tuổi trẻ online, 2020). Nông nghiệp thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng; gồm 4.000 ha lúa, 7.600 ha hoa màu, 38.500 gia súc, 3.214.000 gia cầm bị chết. Về thủy sản, diện tích nuôi bị thiệt hại 12.672 ha, 828 ô lồng (49.740 m3 lồng nuôi), thiệt hại khoảng 1.151 tỷ đồng (Báo Pháp luật Việt Nam, 2020; Bộ NN&PTNT, 2020).

Ngay khi xảy ra bão lũ, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và thực hiện các biện pháp cấp bách để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống xã hội và nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp, NTTS, cụ thể:

– Tổ chức 12 cuộc họp, ban hành 35 công điện, 7 đoàn công tác của Chính phủ chỉ đạo sớm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả. Các cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với đầu cầu các địa phương đã được thực hiện để ứng phó với mưa lũ (Nguyễn Hữu Nghĩa, 2020). Tại Quảng Trị, ngày 27/11/2020, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai tại 6 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (Báo Pháp luật Việt Nam, 2020).

– Một số văn bản mới được triển khai quyết liệt như: Nghị quyết 165/NQ-CP: Hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020 trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên; Công văn 1765/TTg-NN: Tập trung khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, chủ động phòng, chống thiên tai tại miền Trung; Công văn 9556/VPCP-NN: Hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai; Văn bản 8130/BNN-PCTT: Trong đó có thực hiện dự án khắc phục khẩn cấp cơ sở hạ tầng một số tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề (ADB hỗ trợ); Dự án tăng cường khả năng chống chịu ven biển (WB hỗ trợ) hay các Công văn 7419/BNN-KH; Công văn 7769/BNN-KH… (Bộ NN&PTNT, 2020).

– Trong NTTS đã có 140 triệu tôm post, 300 tấn thức ăn, 500 triệu tiền thuốc thú y… được hỗ trợ trực tiếp tới người dân. Viện Nghiên cứu NTTS I đã hỗ trợ cho trung tâm giống thủy sản một số địa phương nguồn cá bố mẹ để phục hồi sản xuất sau lũ (Bộ NN&PTNT, 2020). Bộ cũng chỉ đạo kịp thời công tác quan trắc môi trường, bệnh thủy sản sau lũ để đánh giá hiện trạng và đưa ra các giải pháp phục hồi sản xuất (Nguyễn Hữu Nghĩa, 2020).

Một số chính sách hiện hành trong phát triển NTTS, liên quan tới công tác khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ

Bên cạnh những chính sách cấp thiết nêu trên, một số chính sách triển khai trước đây về NTTS cũng phát huy hiệu quả tốt, tuy nhiên trong thực tế vẫn còn một số bất cập cần bổ sung, sửa đổi phù hợp để thúc đẩy phát triển NTTS ổn định và góp phần khôi phục sản xuất sau bão lũ hiệu quả:

Nghị định 02/2017/NĐ-CP: Quy định hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai:

– Điều 4, Mục 1: Quy định các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch của địa phương. Thực tế nhiều vùng nuôi tự phát, chưa có quy hoạch, nhưng không vi phạm pháp luật. Do vậy, cần sửa đổi để người nuôi cũng được xem xét hỗ trợ khi bị bão lũ gây thiệt hại.

– Điều 4, Mục 2: Quy định người dân phải tới UBND cấp xã để kê khai trong vòng 15 ngày kể từ khi bắt đầu nuôi. Nên sửa đổi để Chính quyền địa phương lập các tổ công tác chủ động đến tới tận cơ sở chăn nuôi, hướng dẫn người dân kê khai xác nhận trực tiếp.

– Điều 5, Mục 3: Hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản: Nên chia các mức thiệt hại về diện tích NTTS ở nhiều mức hơn như hiện tại, tránh sự chênh lệch lớn kinh phí hỗ trợ.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP: Chính sách ưu đãi thuế, quy định miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sử dụng cho hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nhưng thực tế một số địa phương khi hết hạn thuê đất, mặt nước đã không thực hiện thủ tục thuê lại hoặc cho thuê lại để trục lợi cá nhân, gây thất thu ngân sách. Do vậy, cần thực hiện nghiêm chính sách ưu đãi cho ngư dân phát triển thủy sản.

Nghị định 55/2015/NĐ-CP: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhưng thực tế việc tiếp cận nguồn vốn không đơn giản, bởi liên quan tới kinh nghiệm hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hay liên quan tới tài sản doanh nghiệp, tài sản thế chấp ngân hàng. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, nên có những ưu đãi phù hợp với đặc thù: vốn ít, thời gian thành lập còn mới và không có tài sản thế chấp.

Nghị định 57/2018/NĐ-CP: Các doanh nghiệp đầu tư nuôi, chế biến các sản phẩm NTTS được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước. Thực tế việc ban hành các văn bản hướng dẫn chậm so với yêu cầu: Bộ NN&PTNT cần ban hành tiêu chí dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Bộ Công thương ban hành bổ sung Danh mục sản phẩm phụ trợ được hỗ trợ sản xuất; Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 8, Nghị định 57 về quy định các công trình trên đất được làm tài sản thế chấp vay vốn.

Ngoài ra, trong thực tế triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước còn nhiều vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu bổ sung vào chính sách phát triển NTTS, góp phần khắc phục hậu quả sau bão lũ:

– Khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào quy hoạch, xây dựng, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng vùng nuôi có khả năng chống chịu thiên tai, bão lũ.

– Tháo gỡ khó khăn trong cấp giấy chứng nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (Nghị định 26/2019/NĐ-CP). Cần làm rõ cơ sở nuôi đang hoạt động trên khu vực mặt đất, mặt nước có trái pháp luật hay không để làm căn cứ pháp lý trong lập hồ sơ đền bù thiệt hại theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP.

– Xây dựng chính sách về dự trữ nguồn giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường, thuốc phòng trị bệnh để giúp người nuôi khôi phục sản xuất sau bão lũ.

– Các địa phương cần có chính sách lâu dài về quan trắc môi trường và bệnh thủy sản; dự trù vật tư, hóa chất xử lý môi trường, thuốc phòng trị bệnh thủy sản để chủ động ứng phó, đặc biệt sau bão lũ.

Kết luận

Thiên tai bão lũ thường gây thiệt hại lớn cho NTTS. Những chủ trương, chính sách cấp thiết và lâu dài của Đảng, Nhà nước trong NTTS đã có tác động và hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai các chính sách này vẫn còn một số bất cập cần được nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới cho phù hợp để phát triển NTTS ổn định; góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng tránh, khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất thủy sản sau bão lũ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Báo Pháp luật Việt Nam, 2020. https://baophapluat.vn/mien-trung-thiet-hai-30-000-ty-sau-dot-bao-lu-lich-su-post373164.html

Báo Tuổi trẻ Online, 2020. Thiệt hại 17.000 tỷ đồng do bão lũ, cần tăng đầu tư cho các công trình gắn với phòng chống thiên tai. https://tuoitre.vn/thiet-hai-17000-ty-dong-do-bao-lu-can-tang-dau-tu-cho-cac-cong-trinh-gan-voi-phong-chong-thien-tai-20201103115625606.htm.

Bộ NN&PTNT (2020). Hội nghị triển khai công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai năm 2020, tại Quảng Trị ngày 27/11/2020.

Nguyễn Hữu Nghĩa, 2020. Báo cáo Nhiệm vụ bổ sung: Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp phục hồi, ổn định sản xuất cho hoạt động NTTS của các tỉnh miền trung sau lũ lụt. Bộ NN&PTNT.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!