(TSVN) – Chiều ngày 27/10, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2020 – 2030, tầm nhìn 2050” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các tỉnh/thành trọng điểm. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì trực tiếp tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản cùng với đại diện các Bộ ban ngành liên quan như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông… Cùng dự Hội thảo trực tuyến còn có các điểm cầu trực tuyến là đại diện UBND các tỉnh, thành phố, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước và một số đơn vị báo chí.
Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản đã trình bày về định hướng quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần này hướng đến mục tiêu năm 2030 bảo đảm hoạt động khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; có cơ cấu, hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, tăng chất lượng, hiệu quả; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh trên các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Cũng theo Dự thảo, tầm nhìn đến năm 2050 Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; bảo tồn đa dạng sinh học với sự phong phú về nguồn gen, các loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển; bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân, hướng đến khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng biển đảo.
Hiện, cả nước đã quy hoạch và đưa vào hoạt động 12/16 khu bảo tồn biển; ban hành danh mục 47 khu vực cấm khai thác có thời hạn; từng bước đưa khu vực bảo tồn nguồn lợi thủy sản vào hoạt động. Đồng thời, ban hành khung pháp lý phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành thủy sản đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Diện tích bảo tồn biển chưa đạt mục tiêu đề ra; chưa kiểm soát được số lượng tàu cá phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi; việc khai thác quá mức bằng các ngư cụ có tính hủy diệt; tác động của biến đổi khí hậu,… đã và đang ảnh hưởng đến đường di cư thay đổi nơi sống của loài thủy sản. Những tác động này đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển thủy vực nội địa và các hệ sinh thái thủy sinh.
Những tác động này đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển, thủy vực nội địa và các hệ sinh thái thủy sinh. Mặt khác, ngành thủy sản Việt Nam đang bị Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng”; cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đồng bộ.
Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến của các địa phương đóng góp, bổ sung vào dự thảo “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” tập trung về cơ chế, chính sách và giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm bảo đảm hoạt động khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế… góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ quốc phòng – an ninh trên các vùng biển, hải đảo.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, việc lập quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết và quan trọng trong điều kiện hiện nay nhằm bảo vệ bảo tồn, phục hồi phát triển nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản, hiệu quả bền vững phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Quy hoạch được thực hiện với mục tiêu xây dựng được bộ chỉ số cụ thể về bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch. Xây dựng được phương án tổ chức không gian khai thác thủy sản phù hợp với từng vùng biển, khu vực biển gắn với số lượng tàu cá hoạt động theo nghề chiều dài, đối tượng khai thác cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch.
Cùng với đó, xây dựng được phương án bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản ở từng vùng sinh thái và vùng biển cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, việc khai thác và bảo tồn là hai nội dung liên quan chặt chẽ với nhau. Từ những định hướng và giải pháp, hệ thống các dự án trong Dự thảo Quy hoạch, căn cứ vào tình hình thực tế, cần nghiên cứu kỹ để có bản Dự thảo thật sự hoàn chỉnh và sát thực tiễn. Đây chính là hành lang pháp lý để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cũng như vấn đề khai thác.