(TSVN) – Bình Thuận là một trong ba ngư trường trọng điểm, một trong những vùng biển được đánh giá là giàu nguồn lợi thủy sản của Việt Nam; do đó, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, nếu chỉ khai thác mà không có biện pháp bảo vệ, phát triển sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi giá trị này.
Nguồn lợi thủy sản của tỉnh Bình Thuận khá phong phú về chủng loại, được xếp vào một trong ba ngư trường lớn nhất của cả nước. Riêng cá có trên 500 loài, trong đó có 60 loài kinh tế, tổng trữ lượng cá biển khu vực từ 50 m nước vào bờ khoảng 220.000 – 240.000 tấn, khả năng khai thác từ 100.000 – 120.000 tấn/năm. Vùng biển ven bờ tỉnh Bình Thuận còn là nơi sinh sống của một số loài thân mềm hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao như: điệp quạt, sò lông, bàn mai, nghêu lụa, dòm nâu…; đây là các loài thủy sản hầu như không gặp ở các vùng biển ven bờ khác của Việt Nam, với sản lượng khai thác từ 20.000 – 40.000 tấn/năm. Trong 9 tháng năm 2021, điều kiện thời tiết, ngư trường trên vùng biển của tỉnh diễn biến thuận lợi nên hoạt động khai thác hải sản tương đối ổn định. Các nghề lưới rê, lặn, mành chà, mành mực, lưới kéo, lồng bẫy hoạt động hiệu quả. Một số loài thủy sản có sản lượng đánh bắt cao như: cá trích, cá nục, cá ngừ, cá bạc má, ghẹ, mực, bạch tuộc…
Tuy vậy, hoạt động khai thác thủy sản của Bình Thuận cũng bộc lộ nhiều hạn chế, chưa phát huy đúng tiềm năng, lợi thế để nâng cao mức đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng còn thấp so với mục tiêu đề ra và có xu hướng chững lại; nguồn lợi thủy sản ven bờ suy giảm mạnh do tình trạng khai thác quá mức liên tục nhiều năm; tàu cá công suất nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng cao; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, nhiều nghề khai thác gây nguy hại cho môi trường và nguồn lợi thủy sản chưa được kiểm soát, khống chế.
Trước bối cảnh đó, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đã trình các cơ quan có thẩm quyền dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Bình Thuận. Mục tiêu Dự án: Xây dựng ngành thủy sản của tỉnh Bình Thuận thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, theo hướng hiện đại, có hiệu quả cao, có năng lực để tự đầu tư phát triển và tiếp tục giữ vị trí mũi nhọn về giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động thủy sản và các nghề liên quan, giúp xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế ở các địa phương, đặc biệt là vùng biển, hải đảo; góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển, bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.
Dự án sẽ đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Mũi Né, trong đó khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là 300 chiếc/600 CV, kết hợp cảng cá với lượng tàu cập cảng 80 tàu/ngày, loại tàu cập cảng lớn nhất là 600 CV, hàng thủy sản khoảng 12.000 tấn/năm. Dự án còn đóng mới thêm 2 tàu Kiểm ngư với công suất mỗi tàu >750 CV phục vụ nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên biển; hỗ trợ ngư dân; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia trên các vùng biển. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (2021 – 2025); tổng nguồn vốn để đầu tư khoảng 768,624 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
Hoài Phương