Quảng Trị: Khôi phục làng nghề truyền thống

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, ngành chức năng huyện Triệu Phong đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất tập trung, phù hợp với tình hình thực tế nhằm tạo sinh kế bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người dân ven biển. Điển hình như mô hình sản xuất nước mắm truyền thống gắn với du lịch.

Triệu Lăng là xã vùng bãi ngang ven biển huyện Triệu Phong, có vùng bờ biển dài 7,5 km, diện tích tự nhiên 1.206,46 ha, trong đó diện tích nông nghiệp 336 ha, NTTS 70 ha. Toàn xã có 9 Chi hội Nông dân, với 870 hội viên, trong đó 56% nông dân hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp và NTTS, còn lại lao động nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề khác.

Nổi tiếng tại huyện Triệu Phong là làng nghề làm nước mắm Gia Đẳng có lịch sử phát triển những mấy trăm năm qua. Trải qua bao thăng trầm, nhiều người dân vẫn gắn bó với nghề làm nước mắm. Anh Lê Thùy Linh, Trưởng thôn 1 (xã Triệu Lăng) cho hay, hiện thôn  có 30 hộ gia đình và 3 cơ sở chế biến nước mắm. Bình quân hàng năm người dân nơi đây cung cấp ra thị trường tiêu thụ trên 600.000 lít nước mắm. Nước mắm làng Gia Đẳng được làm theo phương pháp truyền thống nên thường có màu cánh gián, thơm ngon chứ không nồng nặc và khi nếm thấy được vị mặn nơi đầu lưỡi và để lại vị ngọt thanh nơi cổ họng.

Những năm trở lại đây, người làm nước mắm ở làng Gia Đẳng hiểu được sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nên đã chủ động tìm cách cải thiện chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã bao bì và chú trọng hơn đến thị trường. Và rồi nước mắm Gia Đẳng dần lấy lại vị thế với người tiêu dùng. Làng nghề làm nước mắm truyền thống Gia Đẳng chỉ “hiu hắt” trong thời gian sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, giờ thì nơi đây đã “vui trở lại”. Nhiều khách hàng đã tiếp tục sử dụng nước mắm Gia Đẳng trong bữa cơm hàng ngày.

Để người dân có đủ điều kiện giữ gìn truyền thống làng nghề nước mắm cũng như phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua, các cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc triển khai nhiều hoạt động. Điển hình, Hội Nông dân xã Triệu Lăng đứng ra tín chấp cho nông dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển sản xuất. Đây là động lực để người dân chủ động đầu tư xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với khả năng của gia đình.

Gia đình anh Hùng Cư ở thôn 5, xã Triệu Lăng cho biết, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp, anh đã đầu tư làm nghề chế biến nước mắm. Hiện nay, thu nhập từ việc chế biến nước mắm đem về cho gia đình anh từ 200 – 300 triệu đồng/năm. Theo anh Hùng Cư, hiện trên địa bàn có 3 cơ sở và 50 hộ gia đình sản xuất nước mắm, thu nhập bình quân từ 200 – 300 triệu đồng/cơ sở, 100 – 150 triệu đồng/hộ…

Để nghề nước mắm của địa phương, cũng như của tỉnh được phát triển, ngành chức năng ở Quảng Trị đã chú trọng đến việc khôi phục đội tàu đánh cá nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, khuyến khích tạo điều kiện cho người dân đóng mới tàu thuyền, tham gia đánh bắt cá, giúp tăng quy mô và sản lượng phục vụ nghề mắm được ổn định; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quản lý, sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị cho các sản phẩm của nước mắm tại địa phương… Đặc biệt, tại các làng nghề truyền thống như Gia Đẳng sẽ trở thành điểm du lịch biển nhằm giới thiệu tiêu thụ sản phẩm nước mắm và các sản phẩm liên quan của làng nghề kết hợp khai thác các tiềm năng di tích, phong cảnh làng biển…

Việc phát triển các mô hình chế biến nước mắm và NTTS gắn với du lịch, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương theo hướng bền vững và đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của vùng biển Triệu Phong.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!