Hiệu quả mô hình nuôi cá truyền thống cho vùng miền núi

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm đa dạng hoá các đối tượng nuôi trồng thuỷ sản, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2012, Trạm Khuyến nông- Khuyến ngư (KNKN) Đakrông (Quảng Trị) triển khai mô hình nuôi cá truyền thống cho vùng miền núi tại địa bàn 2 xã Tà Long và A Ngo, huyện Đakrông.

Mô hình được triển khai trên diện tích 4.000 m2, số lượng cá thả nuôi là 8.000 con bao gồm cá trắm cỏ, cá rô phi, cá chép, cá trôi và cá mè. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cá giống và 50% thức ăn, tổng giá trị hỗ trợ cho mô hình là hơn 56 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình thực hiện mô hình cán bộ kỹ thuật của Trạm KNKN còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cải tạo ao, chăm sóc và theo dõi xuyên suốt sinh trưởng của cá.

Ông Nguyễn Ngọc Chiến, cán bộ kỹ thuật Trạm KNKN Đakrông cho biết: Trước khi nuôi, các hộ dân tham gia thực hiện mô hình được tập huấn kỹ thuật cơ bản về nuôi cá ao như kỹ thuật cải tạo ao, lắp đặt hệ thống ống cấp và thoát nước, đặc điểm sinh học của từng loài cá nuôi, thức ăn và cách cho ăn, cách chăm sóc và quản lý, tỷ lệ thả ghép, phòng và trị một số bệnh thông thường hay xảy ra ở cá, cũng như cách thức thu hoạch như thế nào cho khỏi ảnh hưởng đến cá.

Nhờ thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như các biện pháp phòng, trị bệnh, nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, trong suốt quá trình nuôi không có hiện tượng dịch bệnh xảy ra. Ước tính sau 8 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình khoảng 0,6 kg/con, tỷ lệ sống đạt xấp xỉ 80%. Sản lượng cá đạt hơn 3,8 tấn, với giá bán trung bình hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg, mô hình thu về khoảng 152 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt được từ mô hình khoảng 57 triệu đồng.

Ông Ăm Tang, ở thôn Tà Lao, xã Tà Long cho biết, gia đình ông có ao nuôi diện tích 1.200 m2, chủ yếu nuôi cá theo truyền thống từ xưa, cứ thu hết cá trong ao thì lại đi mua cá giống về thả lại. Do vậy tỷ lệ cá sống rất thấp, cá chậm lớn, năm nào nhiều thì được khoảng 2 – 3 tạ cá, chỉ đủ để dùng trong gia đình và tiêu thụ trong bản. Khi được chọn tham gia mô hình ông đã được cán bộ kỹ thuật tập huấn về kỹ thuật nuôi, trong đó đặc biệt chú trọng đến kỹ thuật cải tạo ao, vì đây là khâu quan trọng, quyết định sự thành công của cả quá trình nuôi, nếu làm không tốt thì mầm bệnh trong ao không bị tiêu diệt và cá dễ mắc bệnh. Trước khi thả cá, phải tháo cạn nước trong ao, vét cạn bùn đáy ao, rải vôi với liều lượng 7 kg/100 m2 và phơi đáy ao 3 ngày. Khi lấy nước vào ao thì phải có lưới lọc để ngăn chặn cá tạp và cá dữ vào ao, bón phân chuồng ủ hoai với liều lượng 15 kg/100 m2 để gây màu nước và đồng thời tạo thức ăn tự nhiên cho cá. Cá giống mua về được ngâm trong ao để cá làm quen dần với môi trường nuôi, sau đó mới bắt đầu thả cá từ từ, cho cá bơi tự nhiên ra ngoài. Hàng ngày cho cá ăn 2 lần, thức ăn chủ yếu là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, ngoài ra có thể bổ sung thêm thức ăn tươi và rau xanh. Từ tháng thứ 2 trở đi phải thay nước định kỳ cho cá nhằm hạn chế ô nhiễm và suy thoái môi trường nuôi…

Ông Ăm Tang chia sẻ: “Dự kiến vụ nuôi năm nay gia đình tôi sẽ thu được hơn 1 tấn cá thịt, với giá bán hiện nay thì sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu được hơn 11 triệu đồng, đây là một khoản thu nhập không nhỏ đối với đồng bào dân tộc chúng tôi”.

Đánh giá về mô hình, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh Quảng Trị cho biết: Các loại cá trắm cỏ, cá rô phi, cá chép, cá mè… là các đối tượng dễ nuôi, ít dịch bệnh, nhờ đó quy trình kỹ thuật nuôi cũng ít phức tạp. Hơn nữa nguồn thức ăn cũng có thể tận dụng được từ những phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở gia đình như mối, giun, lá sắn, cỏ, cám gạo…. Mô hình đã đem lại thu nhập đáng kể cho bà con nông dân, ước tính mỗi hộ lãi từ 6 – 11 triệu đồng; đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân, tận dụng được thời gian rỗi, tăng thêm thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo.

Có thể nói, thành công từ mô hình nuôi ghép cá nước ngọt ở huyện Đakrông đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, làm thay đổi nhận thức của bà con người dân tộc thiểu số ở địa phương vốn nuôi cá theo phương pháp truyền thống, ít đầu tư chăm sóc, không tuân thủ quy trình kỹ thuật; đồng thời kích thích phong trào nuôi cá nước ngọt ở địa phương phát triển trong thời gian tới.

Thục Quyên

Báo Quảng Trị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!