(TSVN) – Để có được con giống chất lượng, ngoài yếu tố đến từ tôm bố mẹ thì thức ăn cho tôm giống là vấn đề cực kỳ quan trọng mà người nuôi cần phải quan tâm.
Thức ăn được sử dụng cho ấu trùng tôm thường là thức ăn tự nhiên gồm nhiều loại phù hợp với từng giai đoạn khác nhau như tảo, động thực vật phù du, Artemia, luân trùng… Mặc dù thức ăn tươi sống cung cấp một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời, nhưng chúng cũng có một số nhược điểm. Điển hình như việc nuôi tảo yêu cầu người thực hiện phải có chuyên môn để duy trì giá trị dinh dưỡng cao nhất, và phải tốn nhiều chi phí để sản xuất tảo số lượng lớn. Cùng đó, ở điều kiện thời tiết xấu, việc gây nuôi tảo thường sinh ra các loại tảo đơn bào có thể gây khó tiêu, từ đó dẫn đến gây bệnh trong đường ruột cho ấu trùng tôm. Hay đối với Artemia thì thường bị thiếu hụt nguồn cung, việc ấp Artemia cũng thường phức tạp, tỷ lệ trứng nở không ổn định. Ngoài ra, vỏ của Artemia thường chứa nhiều mầm bệnh, nếu ấu trùng tôm ăn không hết sẽ làm bẩn nguồn nước trong bể và gây bệnh cho tôm. Trong khi đó, nuôi luân trùng sẽ mất nhiều thời gian và công sức để duy trì.
Vì vậy, trước những yêu cầu cả về số lượng và chất lượng thì thức ăn tự nhiên không đáp ứng đủ và có thể có những mầm bệnh tiềm ẩn. Do đó, thức ăn tổng hợp được các trang trại sản xuất giống ưu tiên lựa chọn với ưu điểm kiểm soát được dịch bệnh, giảm tỷ lệ dị hình, chi phí hợp lý, đáp ứng kịp thời về số lượng cho từng giai đoạn phát triển của con giống. Trên thị trường có rất nhiều loại thức ăn cho ấu trùng, bao gồm thức ăn dạng microbound, dạng mảnh, dạng hạt, vi nang và dạng lỏng. Thành phần dinh dưỡng và các đặc tính của hạt thức ăn như hương vị thức ăn, độ ngon, độ lắng của hạt và độ ổn định trong nước có thể bị ảnh hưởng tùy thuộc vào cách chế biến thức ăn của từng nhà sản xuất thức ăn.
Nauplius: Giai đoạn ấu trùng Nauplius dinh dưỡng bằng noãn hoàng nên chưa phải cung cấp thức ăn. Việc chăm sóc chỉ cần cấp sục khí nhẹ, đều, không để ấu trùng chìm xuống đáy bể và thường xuyên quan sát khi thấy xuất hiện ấu trùng Zoae thì bắt đầu cho ăn.
Zoae: Ấu trùng có tính ăn lọc liên tục, vì vậy mật độ tảo trong bể nuôi phải được duy trì thường xuyên, mỗi ngày cho ăn 4 – 5 lần tảo tươi. Tảo được cho ăn từ giai đoạn Zoae 1, tăng dần ở cuối Zoae 1 đến Zoae 2, tối đa ở giai đoạn Zoae 3 và giảm dần ở giai đoạn Mysis. Trong giai đoạn Zoae 2, Zoae 3 có thể bổ sung thêm tảo khô, thức ăn tổng hợp 2 – 3 lần/ngày, khi cho ăn phải cà qua vợt có kích thước mắt lưới tương ứng cho từng giai đoạn. Chú ý thường xuyên theo dõi lượng thức ăn trong bể ương thừa hay thiếu để điều chỉnh.
Mysis: Ấu trùng giai đoạn này có tập tính bắt mồi chủ động, thức ăn là động vật phù du. Thức ăn sử dụng để nuôi ấu trùng Mysis chủ yếu là ấu trùng Artemia, đây là thức ăn thích hợp nhất và thuận tiện cho người sử dụng. Có thể dùng Moina để cho ăn, tuy nhiên hàm lượng dinh dưỡng của loại thức ăn này không cao, không đảm bảo đủ các axit béo cho ấu trùng. Thức ăn tổng hợp được bổ sung xen kẽ với Artemia bung dù (ấp 8 – 10 giờ). Cần phải cà thức ăn tổng hợp qua vợt có kích thước mắt lưới tương ứng từng giai đoạn. Mỗi ngày cho ăn khoảng 8 lần.
Postlarvae: Postlarvae thường bám vào thành, đáy bể và có khả năng bơi lội chủ động ngược dòng sục khí để bắt mồi, chúng có thể ăn thịt lẫn nhau khi đói. Vì vậy, trong giai đoạn này phải cho tôm ăn thật đầy đủ, thức ăn chủ yếu là Artemia và thức ăn tổng hợp. Cũng có thể dùng thêm thức ăn chế biến như: thịt hàu, tôm bóc vỏ, trứng xay nhuyễn, hấp chín, chà qua lưới, lọc lấy phần hợp cỡ để cho ăn. Sau mỗi lần cho ăn phải kiểm tra xiphong đáy thức ăn chế biến dư thừa trong bể.
Lê Loan