(TSVN) – Sau 4 năm bị EC áp “thẻ vàng” về khai thác thủy sản, Việt Nam đã có những nỗ lực, tuy nhiên vẫn còn đó những hạn chế nhất định. Để có thể nhanh chóng tháo gỡ được “thẻ vàng” và đưa nghề cá phát triển bền vững ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì sự đồng thuận của ngư dân cũng rất quan trọng.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngày 27/10 vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã có buổi làm việc trực tuyến với EC để đánh giá tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, tiến tới gỡ “thẻ vàng” IUU. Qua đây, phía EC tiếp tục khẳng định Việt Nam rất nỗ lực, có sự quan tâm chỉ đạo rất cụ thể từ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành để thực hiện các khuyến nghị của EC. Trong 4 nhóm khuyến nghị của EC, về mặt pháp lý, phía EC đánh giá rất cao những chuyển biến của Việt Nam, những rà soát sửa đổi trong khung pháp lý về cơ bản EC đồng tình cao. Về quản lý, theo dõi, giám sát tàu cá, trong giai đoạn vừa qua do dịch COVID-19 nên việc theo dõi, kiểm soát tàu cá gặp khá nhiều khó khăn, số lượng tàu cá đi khai thác giảm. Đáng chú ý, với nhóm khuyến nghị về truy xuất nguồn gốc, thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU có mức độ sai sót, trả lại rất ít so những năm trước. Việt Nam đang làm tương đối tốt nội dung này. Với nhóm thực thi pháp luật, các tỉnh đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho ngư dân. Đối với những trường hợp vi phạm hoặc tái phạm, các địa phương cũng tăng cường công tác xử phạt để tiến tới sớm chấm dứt tình trạng vi phạm trong khai thác, đặc biệt là vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân về chống khai thác IUU Ảnh: ST
Bên cạnh những kết quả trên, hoạt động chống khai thác IUU của Việt Nam cũng còn những hạn chế nhất định. Đó là, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) và vận hành hệ thống giám sát tàu cá vẫn chưa đạt 100%. Về công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, hiện Việt Nam mới kiểm soát được 49 cảng cá có đủ điều kiện xác nhận, chứng nhận để xuất khẩu; còn 17 cảng cá phía EC yêu cầu Việt Nam kiểm soát tốt hơn để bảo đảm các hải sản khai thác hợp pháp. Cùng đó, việc thực thi pháp luật thủy sản của Việt Nam đối với xử phạt vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài rất hạn chế. Phía EC yêu cầu Việt Nam cần tăng cường, đẩy nhanh điều tra, xác minh các hồ sơ để xử phạt.
Là địa phương có lượng tàu khai thác thủy sản xa bờ lớn nhất cả nước, hiện Kiên Giang còn hơn 2.300 chiếc, chủ yếu tàu nhỏ hơn 12 m không đăng ký, đăng kiểm nhưng chưa có biện pháp quản lý. Việc cấp giấy phép theo hạn ngạch, đánh dấu tàu cá theo quy định chỉ thực hiện được 16% số tàu đang quản lý. Tình trạng tự phát đóng mới tàu cá vẫn chưa giải quyết triệt để, làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của ngư dân với cơ quan quản lý nhà nước về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.608 tàu, đạt 99,5%; nhưng theo các cơ quan chức năng, công tác quản lý vận hành, khai thác hệ thống giám sát hành trình tàu cá chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng chậm lắp đặt, tự ý gỡ thiết bị hoặc tác động làm mất kết nối. Đại diện UBND tỉnh cho biết, công tác chống khai thác IUU đang đứng trước hai thách thức lớn. Đó là việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để kiểm soát 100% tàu cá hoạt động trên biển; giảm số tàu khai thác để khôi phục nguồn lợi hải sản, chú trọng chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân.
Còn theo Sở NN&PTNT Cà Mau, từ đầu năm 2021 đến nay thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản thuộc Sở NN&PTNT phát hiện và xử lý 37 vụ vi phạm, ra quyết định xử phạt với số tiền 725 triệu đồng. Trong đó, số vụ vi phạm liên quan đến khai thác IUU là 19 vụ, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 486,5 triệu đồng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra các tàu cá hoạt động khai thác trên biển được tổ chức triển khai thường xuyên liên tục. Lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản đóng chốt tại 5 cửa biển trọng điểm luôn duy trì sự hiện diện trên biển từ 10 – 15 ngày/tháng; để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý đối với các trường hợp tàu cá vi phạm về chống khai thác IUU.
Là một trong những điểm sáng về triển khai hoạt động chống khai thác IUU, 3 năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân về các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống khai thác IUU và Luật Thủy sản được tỉnh Bình Định đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị triển khai Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ và Luật Thủy sản; 75 buổi tuyên truyền cho khoảng 5.000 lượt người là chủ tàu/thuyền trưởng; xây dựng 10 pano tuyên truyền tại cảng cá Tam Quan, Quy Nhơn, Đề Gi và các xã, phường ven biển. Hàng năm, phát trên 6.000 tờ rơi cho chủ tàu, dán trên các tàu cá và dán 50 áp phích với nội dung chống khai thác IUU tại các cảng cá, nơi tập đông ngư dân. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh nhìn nhận, hoạt động khai thác thủy sản lâu nay vẫn mang tính “nghề cá nhân dân” đã chuyển biến tích cực sang nghề cá có trách nhiệm, tuân thủ các quy định. Điều quan trọng nhất để thực hiện công tác này là ý thức ngư dân trong chấp hành, nhất là đối với đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh. Trong 2 năm (2018 – 2019), cả tỉnh có 41 tàu cá/305 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài và bị nước ngoài bắt giữ; từ năm 2020 đến nay, chỉ có 27 tàu cá/170 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Ngư dân La Văn Trắng (phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu BĐ 95951 TS chia sẻ: “Ngư dân chúng tôi nhắc nhở nhau không liều lĩnh vi phạm vùng biển nước ngoài để mong khai thác nhiều hơn. Dù tạo thu nhập trang trải cuộc sống gia đình mình là quan trọng nhất, nhưng không được làm trái pháp luật, từ “một con sâu làm rầu nồi canh” ảnh hưởng chung đến nhiều nỗ lực thực thi Luật Thủy sản, chống khai thác IUU…”.
Ngày 1/11/2021, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 2430/KH-UBND về việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU trong quý IV/2021 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, quán triệt mình là lực lượng nòng cốt trong công tác chống khai thác IUU và chịu trách nhiệm chính, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý; tuyên truyền vận động người dân tuân thủ pháp luật, đảm bảo “Dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”; nắm chắc địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm khai thác IUU, tàu cá đi khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
An An