(TSVN) – ĐBSCL là vựa lúa, vựa thủy sản của cả nước, nguồn cung chính cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Thế nhưng, cùng với phát triển mạnh của trồng trọt, chăn nuôi và NTTS, môi trường tự nhiên vùng ĐBSCL đang chịu áp lực rất lớn khi nguồn thải ngày một tăng cao. Đây là bài toán lớn của vùng đất này khi mà sức tải của đất và nước nơi đây đã và đang chạm ngưỡng.
ĐBSCL có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng đối với cả nước và là một vùng trọng điểm về phát triển kinh tế. Đặc biệt, có tiềm năng lớn nhất để phát triển nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy sản; có vai trò quyết định bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và tạo ra sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, thủy sản với thế giới; đem lại giá trị xuất khẩu lớn cho cả nước. Tuy nhiên, do tác động từ tự nhiên (biến đổi khí hậu) và hoạt động của con người đã đặt ra cho vùng này những thách thức rất lớn.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại vùng ĐBSCL mọc lên ùn ùn, cùng với xu thế nuôi trồng thâm canh, siêu thâm canh và các khu chế biến thủy sản lên tới con số hàng trăm nghìn đã làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường đất và nước hết sức nghiêm trọng.
Trong nông nghiệp, ĐBSCL có diện tích canh tác khoảng 3 triệu ha, khiến nhu cầu sử dụng nước ngày càng lớn do phát triển tăng vụ trong trồng trọt, chăn nuôi… Hằng năm, ĐBSCL sử dụng khoảng 2 triệu tấn phân bón hóa học, gần 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật; trong NTTS, với các mô hình nuôi thâm canh càng cao, quy mô công nghiệp càng rộng thì lượng chất thải lại càng lớn và mức độ nguy hại cho môi trường nước càng nhiều. Cùng đó, diện tích nuôi tôm nước lợ tăng đã khiến cho diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Ao, đầm được đào đắp, nạo vét phá vỡ kết cấu tự nhiên, động đến tầng đất phèn, cùng với hàng loạt chất độc hại như kim loại nặng, các loại kháng sinh… từ hoạt động nạo vét ao nuôi đã khiến cho mức độ ô nhiễm ngày càng tăng.
Kết quả các cuộc khảo sát mới nhất từ các cơ quan chuyên môn cho thấy, ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng hơn. Các hoạt động sản xuất thâm canh tăng vụ, trong trồng trọt và NTTS đã bộc lộ mặt trái như: gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mạch nước ngầm; các nguồn chất thải từ các hoạt động trên và nước thải nông thôn… chưa được xử lý triệt để đang gây áp lực lớn ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, cần sớm có giải pháp ngăn chặn.
Môi trường tự nhiên vùng ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu Ảnh: TTX
Tại Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL đã nêu rõ: ĐBSCL là vùng đất rộng lớn, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng NTTS và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng cá xuất khẩu… Góp phần đảm bảo an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển đất nước.
Tuy nhiên, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội dùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái năng nề…
Trong chỉ đạo thực hiện, Nghị quyết 120 đã nhấn mạnh việc tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước mặn lợ. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường… Việc chuyển đổi mô hình phát triển phải dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người và các quy luật tự nhiên. Quá trình chuyển đổi cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
Cùng đó, trong buổi tọa đàm “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để tập trung phát triển bền vững tại vùng ĐBSCL, cần hình thành các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn mang tính liên ngành, liên vùng thuộc các Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia đang được tái cấu trúc để nghiên cứu, giải quyết những vấn đề lớn, bức thiết có tính hệ thống.
Đồng thời, xây dựng các hệ thống đo đạt, giám sát tự động các thông số về môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn; đẩy mạnh đầu tư ứng dụng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là vùng không chủ động được nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm ngập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng…
Bảo Hân