(TSVN) – Ngày 26/10/2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đối thoại với 6 doanh nhân, đại diện cho các ngành hàng nông sản quan trọng của nước ta. Qua đại dịch, nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đang lộ rõ những hạn chế, yếu kém. Rõ nhất là tính tự chủ chưa cao, còn phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Đầu vào của ngành thủy sản từ thức ăn, thuốc thú y đến bao bì và cả con giống bố mẹ phụ thuộc nhập khẩu nên khi đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu là giá tăng, bất ổn.
Nhiều sản phẩm thủy sản nước ta có lợi thế tự nhiên nhưng sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường nên thường bị động, yếu thế. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (doanh nghiệp hàng đầu nuôi và chế biến – xuất khẩu tôm ở tỉnh Sóc Trăng) bày tỏ “hai vấn đề bức xúc”. Thứ nhất, vướng mắc trong tích tụ đất đai nên không có các vùng nuôi tôm rộng lớn theo tiêu chuẩn quốc tế, cung ứng sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường. Thứ hai, vì manh mún nên nhiều diện tích nuôi tôm chưa có mã số vùng nuôi, không thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đưa vào hệ thống siêu thị. Từ đó, khó nâng tầm giá trị tôm Việt, bạn hàng nước ngoài còn giảm niềm tin vào sản phẩm tôm Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn: “Nếu doanh nghiệp xác định được vùng nào cần tích tụ (ví dụ trong địa bàn 2 – 3 xã) để xây dựng vùng nuôi tôm tập trung quy mô công nghiệp mà gặp vướng mắc thì trao đổi cụ thể với Bộ NN&PTNT. Chúng tôi sẽ cùng doanh nghiệp về địa phương tìm hướng tháo gỡ khó khăn. Từ kết quả thí điểm tích điền giữa Bộ NN&PTNT và doanh nghiệp, chúng ta sẽ có cơ sở thuyết phục hơn trong việc đề xuất cơ chế chính sách tích tụ đất đai. Các doanh nghiệp khác cũng vậy, khi vướng chỗ nào có thể trực tiếp nhắn tin, gửi email hàng ngày cho Bộ trưởng để trao đổi, như vậy hiệu quả giải quyết công việc sẽ cao hơn. Còn nếu chờ xây dựng và thông qua một chính sách chung ở phạm vi rộng, có thể phải mất vài năm thậm chí lâu hơn nữa”.
Cuộc thảo luận khá sôi nổi đi sâu vào phát huy lợi thế tự nhiên, nâng cao giá trị sản phẩm để không chỉ vượt khó khăn đại dịch mà còn xây dựng ngành hàng hiện đại. Một quá trình đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động chuyển đổi sản xuất từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị; xây dựng môi trường kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn từ con tôm, thế giới đã làm ra hàng trăm sản phẩm phục vụ ăn uống và cả y học, mỹ phẩm. Còn nước ta đang lãng phí lớn. Các doanh nghiệp phải tạo ra sản phẩm khác biệt để nâng cao giá trị.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể chuyến công tác châu Âu mới rồi cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi gặp các doanh nhân châu Âu thường nghe họ nói câu “tối thiểu để đạt được cái tối đa”. Bàn tay vô hình của thị trường rất khó đoán định, nhưng cũng chắc chắn là nếu tiết giảm được chi phí từ những việc nhỏ có thể tạo ra giá trị lớn hơn. “Tối thiểu để đạt được cái tối đa, Bộ NN&PTNT sẵn sàng huy động hệ thống các viện, trường đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo ra sự thay đổi”, Bộ trưởng Hoan khẳng định.