Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Hoàng Phượng, Tổ chức Policy (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhấn mạnh, việc gắn trách nhiệm với nhà sản xuất là giải pháp tốt nhất, bởi chỉ họ mới có biện pháp để tái sản xuất. Như thế, nhà sản xuất sẽ tự quản lý, tự vận hành chuỗi.
Gắn trách nhiệm của nhà sản xuất để chung tay giải quyết vấn nạn “ô nhiễm trắng” sắp tới sẽ được quy định chặt chẽ hơn. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục triển khai lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn luật Bảo vệ môi trường 2020. Trong đó, doanh nghiệp thủy sản sẽ có những quy định rất chặt chẽ.
Cụ thể, ngành thủy sản bị xếp vào mức 3 của “Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” của Phụ lục 5 “Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”. Trong đó, nhà máy có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200 m3/ngày trở lên thì phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải.
Về vấn đề này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng yêu cầu này sẽ khiến hầu hết các nhà máy phải đầu tư hệ thống quan trắc. Và để làm được điều này, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra hàng tỷ đồng để lắp đặt, chưa kể số tiền vài chục triệu đồng tiền vận hành theo định kỳ. Bởi trước đây, doanh nghiệp thủy sản đầu tư hệ thống theo quy định ở mức 1.000 m3/ngày.Cùng đó, tần suất quan trắc nước thải định kỳ sẽ là 1 tháng/lần thay vì quy định hiện hành là 3 tháng/lần. Do vậy, chi phí lấy mẫu và phân tích mẫu lên rất nhiều sẽ đội lên khá nhiều. Chưa kể, nước thải nhà máy chế biến thủy sản đều là những chất từ tự nhiên, không gây độc hại mạnh như những hóa chất dùng trong các ngành công nghiệp khác.
Còn về khí thải, các doanh nghiệp thủy sản cũng kiến nghị rằng đa số nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam làm hàng đông lạnh, chỉ một số ít nhà máy có công đoạn gia nhiệt (sản xuất đồ hộp, chả cá, tôm bao bột…) có sử dụng lò hơi.
Cùng với đó, chất thải rắn trong quá trình chế biến thủy sản chủ yếu là phế liệu từ thủy sản như xương cá, da cá, mỡ cá, vỏ tôm, đầu tôm, vỏ ngao, sò… hoặc một số túi nilon, bao bì carton… Các phế liệu này đa phần được cơ sở bên ngoài thu gom để làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác như thức ăn chăn nuôi, collagen… nên số lượng thải ra bên ngoài không nhiều.Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có những kiến nghị về quy định tái chế rác thải nhựa và đóng phí Quỹ bảo vệ môi trường…
Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều để đưa đến sự thống nhất. Thế nhưng, quy định là cần phải có để làm cơ sở chung cho mọi hoạt động, đặc biệt khi vấn đề rác thải nhựa đang nhức nhối trên toàn cầu. Chỉ có điều, phải hài hòa lợi ích giữa các bên để vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn thải gây “ô nhiễm trắng”, vừa không tác động mạnh đến tình hình chung của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi doanh nghiệp đang phải gồng mình phục hồi sau đại dịch COVID-19.