Ba đột phá chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bộ NN&PTNT đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo dự thảo, sẽ phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 – 3%/năm. Với 3 đột phá cần tập trung thực hiện.

Dự thảo chiến lược xác định 3 đột phá cần tập trung thực hiện, gồm: Thể chế chính sách, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, đồng thời đưa ra 8 nhóm giải pháp để tập trung thực hiện. Đáng chú ý, sẽ thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Trong đó, hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng thúc đẩy tập trung tích tụ đất đai trên cơ sở hình thành thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nông dân. Coi quyền sử dụng đất nông nghiệp như quyền tài sản để người dân dễ dàng chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, thế chấp trong một thị trường giao dịch thống nhất như các loại hàng hóa khác. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đủ mạnh ưu đãi, hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái. Tăng đầu tư cho nông nghiệp với tốc độ tăng đầu tư công cho nông nghiệp ít nhất 7%/năm, đảm bảo đến năm 2030 đầu tư công cho nông nghiệp gấp đôi mức của năm 2020 …

Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp hiệu quả, phát triển nông thôn bền vững. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “trí thức hóa nông dân”. Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị và phát triển nông thôn hiện đại, bền vững; đổi mới cơ cấu đầu tư công, thu hút các nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu cho những vùng sâu vùng xa, xã khó khăn. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành, sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị.

Theo Dự thảo, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân khoảng 5 – 6%/năm giai đoạn 2021 – 2030, kim ngạch xuất khẩu trên 60 tỷ USD vào năm 2030; nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững; thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 3 lần năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân 1 – 1,5%/năm; phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường; giảm phát thải khí nhà kính 10% so năm 2020; nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42 – 43%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu ha vào năm 2030. 

Về tầm nhìn đến năm 2025, phấn đấu Việt Nam trở thành một trong 10 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, xanh, ứng dụng công nghệ cao; nông thôn văn minh, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối chặt chẽ, hài hoà với quá trình đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập cư dân nông thôn từng bước tiệm cận với đô thị, cơ bản không còn hộ nghèo.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!