(TSVN) – Chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt” với đại dịch COVID-19 của Chính phủ được các doanh nghiệp và người dân ngành thủy sản ĐBSCL nhanh chóng áp dụng để phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển hiện đại, tạo sự ổn định mới.
Những ngày đầu tháng 11, trên đầm nuôi tôm ở ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) không khí vụ mùa nhộn nhịp. Lão nông Mã Văn Khém kể, vụ này nuôi tôm hai giai đoạn, gồm 1 ao ương tôm giống khi còn nhỏ và các ao thả nuôi khi tôm giống đã lớn. Chỉ cần hơn 1 triệu đồng có thể lo được ao ương giống trải bạt, đảm bảo giảm chi phí mà tập trung chăm sóc tôm giống khỏe mạnh, đạt tỷ lệ sống cao. “Trước đây với hơn 3 ha tôi thả 50.000 con giống, tỷ lệ hao hụt có khi đến 80% nên lời chẳng được bao nhiêu. Từ khi áp dụng nuôi tôm 2 giai đoạn, tôi chỉ thả 20.000 con giống, tỷ lệ hao hụt dưới 10%, tiền lời tính ra gấp 7 lần trước đây”, ông Khém nói.
Ấp Tân Lập là một trong bốn ấp của xã Tân Ân Tây có hơn 20 hộ áp dụng nuôi tôm hai giai đoạn từ 2 năm trước, có kết quả cao. Vụ này, những hộ đã áp dụng thì mở rộng thêm diện tích, nhiều hộ chưa áp dụng thì đăng ký để nhân viên kỹ thuật hướng dẫn làm ao ương và bón phân vi sinh trong ao nuôi. Tổng cộng vụ này có trên 40 hộ nuôi tôm hai giai đoạn.
Nhiều nông dân đã hợp tác làm ăn để có thêm điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến như 36 thành viên với 45 ao nuôi TTCT ở HTX Nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau). Thành lập năm 2016, HTX liên kết với doanh nghiệp khoa học công nghệ, một số nhà khoa học để tăng năng suất tôm nuôi với nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng không kháng sinh, hóa chất. Nhờ đó, thu nhập bình quân của mỗi thành viên một năm là 420 triệu đồng và người lao động của HTX cũng có thu nhập 72 triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp ở các địa phương ĐBSCL đang tuyển lao động để quyết tâm phục hồi sản xuất. Điển hình ở tỉnh Bạc Liêu, 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản tại thị xã Giá Rai cam kết nhận hết công nhân từ nhiều tỉnh khác vừa trở về sau khi hoàn thành cách ly. Một số doanh nghiệp đưa ra cam kết cụ thể, Công ty TNHH Chế biến Thủy sản và XNK Trang Khanh sẽ nhận 500 lao động ở các khâu sản xuất với lương tháng một người 5,5 – 7 triệu đồng; Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long nhận 300 lao động với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu thực hiện tuyển dụng lao động trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Văn Tươi cho hay: “Trung tâm tập trung rà soát biến động lao động ở các địa phương, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là tuyển dụng lao động vừa hồi hương để liên kết đáp ứng các nhau cầu từ nhiều phía, hỗ trợ phát triển nhanh chóng thời gian hậu COVID”, ông Tươi nói.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực thủy sản – ngành hàng chịu tác động nặng nề trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Công ty CP RYNAN Technologies Vietnam cũng sớm có giải pháp thích ứng. Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: “Hiện chúng tôi đã có hệ thống giám sát tự động đo thân nhiệt dùng tia laser hồng ngoại kết hợp phần mềm chấm công và nhận diện khuôn mặt đặt tại cửa ra vào để phát hiện người có triệu chứng nóng sốt hơn 38°C. Bên trong phân xưởng làm việc cũng lắp đặt một hệ thống như thế. Nếu phát hiện, hệ thống sẽ báo ngay đến bộ phận bảo vệ và y tế của Công ty tiến hành cách ly, xét nghiệm nhanh để kịp thời ứng phó. Công ty cũng xây dựng mô hình “2 xanh, 1 sạch” (nhà xưởng xanh, chỗ ở xanh, nhân viên sạch). Đối với sản xuất, chúng tôi áp dụng rất nhiều biện pháp quản trị, kiểm soát rủi ro, chi phí, chuyển đổi số để vẫn duy trì được hoạt động sản xuất và có thêm cơ hội dù ở giai đoạn thị trường chung khó khăn vì dịch”.
Ngọc Duyên