(TSVN) – Hiện nay, nhịp độ sản xuất và xuất khẩu tại các doanh nghiệp ngành tôm đã tăng tốc trở lại khi giá tôm ở mức cao và dự báo sẽ còn ổn định đến tận quý I/2022; cùng đó thị trường nhập khẩu được phục hồi với sức mua tăng cao. Đây được đánh giá là thời điểm “vàng” để ngành tôm gia tăng xuất khẩu.
Vụ tôm nước lợ năm 2021 ở ĐBSCL về cơ bản đã kết thúc và dù chưa có một tổng kết chính thức nhưng được đánh giá là khá thành công ở cả 3 chỉ tiêu: diện tích, năng suất, sản lượng. Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam, hiện trong khu vực các tỉnh ĐBSCL chỉ có Sóc Trăng là địa phương còn diện tích tôm chưa thu hoạch tương đối lớn chủ yếu là số diện tích nuôi lót bạt, ao tròn nổi 2 – 3 giai đoạn và mô hình nuôi tôm sú. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, tính đến trung tuần tháng 11, toàn tỉnh thả nuôi 51.507,2 ha, đạt 101% so kế hoạch và bằng 100,1% so cùng kỳ năm 2020; trong đó, diện tích TTCT là 38.983,1 ha, còn lại là tôm sú. Kết quả thu hoạch trên 38.000 ha cho sản lượng trên 164.000 tấn; trong đó, TTCT gần 150.000 tấn, tôm sú chỉ khoảng 14.000 tấn. Như vậy, đến thời điểm trên, Sóc Trăng còn khoảng 10.000 ha tôm chưa thu hoạch, nên khả năng sản lượng tôm năm 2021 của Sóc Trăng sẽ vượt xa so với kế hoạch.
Không chỉ có Sóc Trăng, các tỉnh trọng điểm nuôi tôm trong khu vực ĐBSCL đều cho biết, dù ảnh hưởng dịch COVID-19 và giá tôm thấp trong thời gian dài nhưng sản lượng tôm năm nay vẫn đạt khá so với kế hoạch đầu năm. Riêng tỉnh Cà Mau, lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, sản lượng tôm năm nay nhiều khả năng không đạt theo kế hoạch dù diện tích đang có tôm khá nhiều nhưng chủ yếu là mới thả nuôi hơn một tháng theo mô hình quảng canh là chính. Hiện tại, số diện tích nuôi siêu thâm canh, thâm canh của mỗi tỉnh còn lại không nhiều, riêng số diện tích nuôi tôm – lúa hiện lúa vẫn chưa thu hoạch, nên phải đến đầu năm 2022 mới có thể tiến hành thả giống. Theo Chi cục Thủy sản Cà Mau, đối với những diện tích nuôi quảng canh, từ nay đến Tết Nguyên đán người nuôi cần lưu ý 2 yếu tố tác động chính là: triều cường và hạn mặn. Rút kinh nghiệm thiệt hại do đợt triều cường tháng 12 năm ngoái, ngành khuyến cáo, tại những vùng nuôi bị ảnh hưởng, người nuôi cần tôn bờ lên cao, theo dõi dự báo để xử lý kịp thời. Còn những vùng nuôi sâu trong nội đồng phải có ao chứa nước đủ lớn để khi nhiệt độ hay độ mặn tăng cao có nguồn nước để thay đổi hoặc bổ sung.
Đối với những diện tích còn tôm của các tỉnh, nông dân đang tập trung chăm sóc chu đáo vì hiện giá tôm vẫn còn ở mức cao, nên những ngày gần đây dù có các trận mưa trái mùa tương đối lớn, nhưng nhìn chung tôm vẫn phát triển khá tốt. Hiện có khá nhiều diện tích nuôi siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh tại một số vùng nuôi thuận lợi về nguồn nước, nông dân đang tích cực cải tạo chuẩn bị thả nuôi sớm vì giá tôm được dự báo sẽ còn ở mức cao cho đến tận quý I/2022. Tại Sóc Trăng, các trang trại nuôi tôm lớn của các doanh nghiệp: Sao Ta, Vinacleanfood, Stapimex, Khánh Sủng… đầu tư đều đã thu hoạch dứt điểm và đang chuẩn bị thả nuôi sớm vụ mới để chủ động nguyên liệu trong những tháng đầu năm 2022.
Với những nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ quyết liệt của của ngành chức năng, sản xuất tôm đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Ảnh: Phan Thanh Cường
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam cho biết: “Năm nay tính ra quay vòng cũng được hơn 2 vụ/năm với tổng sản lượng tôm thu hoạch trên 3.000 tấn và chuẩn bị thả vụ mới”. Còn tại trang trại của Sao Ta, theo ông Hồ Quốc Lực do ảnh hưởng dịch COVID-19 bùng phát trở lại khi tôm cũng đạt size nên Công ty quyết định thu hoạch toàn bộ 300 ao vụ 2 ngay trong tháng 11. Trại tôm hiện đang trong giai đoạn cải tạo và cũng sẽ thả nuôi sớm nếu điều kiện cho phép.
Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, giá tôm tăng cao sau thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh đã mở ra tín hiệu vui cho người dân vùng biển. Tỉnh Bến Tre có diện tích nuôi tôm biển khoảng 35.000 ha, sản lượng đạt hơn 55.000 tấn/năm. Hiện nay người dân đang dần chuyển đổi sang nuôi tôm theo hướng công nghệ cao nhiều giai đoạn, nuôi tôm quảng canh cải tiến mang lại hiệu quả cao lợi nhuận tăng lên nhiều lần so với nuôi tôm theo cách truyền thống như trước đây.
Xu thế thả nuôi sớm để bán giá tốt trong những tháng đầu năm đang được những hộ nuôi siêu thâm và thâm canh thực hiện và cũng được ngành chức năng khuyến khích. Tuy nhiên, đối với những mô hình nuôi thấp hơn, theo khuyến cáo người nuôi chỉ nên thả nuôi khi tất cả các điều kiện về ao nuôi, độ mặn, thời tiết, môi trường… thuận lợi và nên thiết kế cao nhỏ lại, thả nuôi với mật độ thưa hơn để tránh thiệt hại đáng tiếc.
Theo ông Đào Văn Bảy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, hiện đang là cuối vụ nên chất lượng nước tại hầu hết các vùng nuôi cũng giảm do ảnh hưởng từ các ao tôm đang thu hoạch và cải tạo. Với những diễn biến và nhận định trên, ngành nông nghiệp tỉnh không khuyến cáo người nuôi thả giống sớm, nhất là những hộ nuôi mô hình cấp thấp, nuôi ao đất… dù giá tôm đang ở mức cao. Nếu có thả nuôi, người nuôi cần quan tâm đến chất lượng con giống và cần quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi như: độ mặn, pH, ôxy, kiềm, độ trong, khoáng chất (Ca, Mg, Kali…) luôn nằm trong ngưỡng thích hợp.
Nuôi tôm cuối vụ hay thả nuôi sớm trước lịch thời vụ thường sẽ có giá bán cao nhưng cũng không hề dễ. Nó đòi hỏi không chỉ các yếu tố thuận lợi từ bên ngoài, mà còn ở công trình, mô hình và trình độ tay nghề của người nuôi. Theo kinh nghiệm nuôi tôm những năm qua của doanh nghiệp, ông Phục nhận định, thời điểm cuối năm và những tháng đầu năm mới, có 2 vấn đề mà người nuôi tôm rất lo ngại là thời tiết lạnh làm tôm chậm lớn và bệnh đốm trắng gây thiệt hại tôm nuôi, nhất là khi có sự cộng hưởng từ những cơn mưa lớn trái mùa. “Thường năm nào ở vụ này bệnh đốm trắng cũng xuất hiện nhiều nên nếu có thả nuôi, người nuôi cần đặc biệt quan tâm đến bệnh này cho dù có thả con giống kháng bệnh đốm trắng”, ông Phục cho hay.
Năm 2021, tỉnh Bạc Liêu thả nuôi gần 140.000 ha tôm nuôi, trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh gần 9.000 ha. Các đơn vị đi đầu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là Việt – Úc, Long Mạnh, Trúc Anh, Huy Long An – Bạc Liêu, C.P. Việt Nam – Chi nhánh Bạc Liêu… Hiện nay, giữa vùng nuôi và các chuỗi cung ứng về NTTS, sẽ tạo điều kiện cho thông thoáng. Đặc biệt là kịp thời để người nuôi tôm có thể tiêu thụ tôm, cung ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tôm. Đồng thời xuất khẩu được giá trị con tôm ra thị trường nước ngoài đạt mục tiêu đề ra đến cuối năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ngưng trệ; trong đó, việc sản xuất, chế biến xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa gặp nhiều rủi ro, khó khăn; chi phí cho hoạt động thương mại gia tăng, vận tải đường bộ, đường hàng không bị thu hẹp, thiếu lao động… Tuy nhiên, với những nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ quyết liệt của của ngành chức năng trên địa bàn tỉnh, đã tháo gỡ những khó khăn trong thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Qua đó, lĩnh lực xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu dẫn tiếp tục phát triển theo hướng tích cực.
Xuân Trường