Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc: Cần chiến lược bài bản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trung Quốc giữ vị trí là đối tác thương mại lớn và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ). Tuy nhiên, để có thể gia tăng hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung trong đó có thủy sản theo đường chính ngạch, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và giữ vững uy tín thương hiệu cũng như có những giải pháp thích ứng nhanh nhạy với những thay đổi tại thị trường giàu tiềm năng này.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc trong ASEAN. Hai năm gần đây, Việt Nam đã vượt qua Australia, tiếp đó là Đức để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên toàn cầu. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 17 năm liên tiếp. Với 1,4 tỷ dân, trong đó 50% thuộc tầng lớp trung lưu sống ở đô thị, Trung Quốc là thị trường rộng lớn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh từ 6 tỷ USD năm 2015 lên 8,5 tỷ USD năm 2020. Đồng thời, thương mại nhóm hàng này với Trung Quốc luôn ghi nhận xuất siêu của phía Việt Nam, tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên 6 tỷ USD năm 2020. Trong bối cảnh Hiệp định RCEP vừa được ký kết, tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước tiếp tục sẽ có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của mỗi nước.

Ảnh minh họa

TS Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho biết, đến nay Trung quốc đã công nhận danh sách 779 cơ sở chế biến thủy sản, 20 cơ sở xuất khẩu thủy sản sống (tôm sú, TTCT, tôm hùm, cua) Việt Nam cùng 48 loài thủy sản và 128 loại sản phẩm thủy sản được phép xuất khẩu vào nước này. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là Trung Quốc đang duy trì việc kiểm soát COVID-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thủy sản sống. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho các đơn vị xuất khẩu, vì phải mất một thời gian chờ tại cảng. Từ năm 2020 đến năm 2021, tốc độ kiểm tra, bổ sung danh sách doanh nghiệp rất chậm. Ở chiều ngược lại, cơ quan chức năng của Việt Nam cũng chậm bổ sung danh sách doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam để đảm bảo tính công bằng. Tuy nhiên, số lô hàng thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị cảnh báo tăng khá nhanh. Đây là điều đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là các chỉ tiêu phụ gia thực phẩm, chỉ tiêu về bệnh thủy sản.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, từ 11/2018, Chính phủ Trung Quốc đã có những động thái tăng cường công tác quản lý xuất nhập khẩu, siết chặt thương mại “tiểu ngạch”, chỉ cho phép xuất nhập khẩu “chính ngạch” thông qua các cửa khẩu chính nhằm kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm, kiểm dịch và truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận đối với thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh 249 về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu và Lệnh 248 ban hành quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc. Hai lệnh này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022. 

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến kết nối, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ NN&PTNT, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, UBND TP Móng Cái, Quảng Ninh phối hợp tổ chức ngày 6/12; ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, từ 1/2/2020 đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản. Việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trong điều kiện thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn, phát sinh tăng chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu và có thời điểm ảnh hướng đến chất lượng hàng hóa. Mục tiêu của Hội nghị nhằm thảo luận về những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, nhu cầu của Trung Quốc nhập khẩu hàng nông sản chất lượng cao gia tăng, qua đó góp phần phục hồi và hỗ trợ các ngành xuất khẩu nông, thủy sản trong nước vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

Thông tin tại Hội nghị, ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái chia sẻ, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc; trong thời gian tới Móng Cái cùng các lực lượng chức năng quản lý cửa khẩu sẽ tiếp tục nghiên cứu, nắm bắt, dự báo tốt nhu cầu thị trường, đẩy mạnh công tác đối ngoại, nhất là phối hợp có hiệu quả với Chính quyền nhân dân TP Đông Hưng, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Với điều kiện dịch COVID-19 với biến chủng mới hiện nay, trước mắt 2 thành phố sẽ tiếp tục phối hợp, hợp tác trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo khu vực cửa khẩu và địa bàn thành phố là “vùng xanh an toàn”, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn; sắp xếp phương tiện thông quan, đầu tư nâng cấp hạ tầng cửa khẩu nhằm khắc phục ùn tắc; kiểm soát giá dịch vụ thiết yếu (ăn nghỉ, lưu kho bãi, bốc xếp) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm tối đa chi phí. Kịp thời trao đổi, nắm bắt quy định và diễn biến thực tế tại khu vực cửa khẩu, lối mở để thông tin cho các cơ quan chức năng của Bộ và doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp.

Còn đại diện các doanh nghiệp Việt Nam có xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang thị trường Trung Quốc thì kiến nghị, cần có những cuộc đối thoại trực tuyến về kênh thương mại giữa 2 nước; cập nhật danh sách danh mục các mặt hàng thủy sản mà Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu; giới thiệu các doanh nghiệp Việt với các đối tác của Trung Quốc để đẩy mạnh kết nối hợp tác. Cùng đó, bên cạnh những mặt hàng thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh là tôm, cá tra thì cũng cần đẩy mạnh quảng cá cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu theo đường chính ngạch với sản phẩm là hàu, ngao…

Về phía NAFIQAD, đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát, cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện xuất khẩu, chứng thư lô hàng; tiếp tục đề nghị phía Trung Quốc công nhận và cập nhật danh sách các cơ sở chế biến, chủng loại sản phẩm thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ đạo hải quan các cửa khẩu tạo điều kiện thông quan cho các lô hàng thủy sản của Việt Nam đã được NAFIQAD cấp chứng thư; quản lý và kiểm soát chặt chẽ các thương nhân Trung Quốc có hoạt động thu gom, sơ chế, chế biến thủy sản tại Việt Nam để vận chuyển, tiêu thụ tại Trung Quốc…

An An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!