(TSVN) – Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố kết quả Dự án “Điều tra, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ chế biến nông sản; Đề xuất hướng ứng dụng công nghệ hiện đại đối với từng ngành hàng để sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao” do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức vào chiều 9/12.
Hơn 10 năm qua công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5 – 7%. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam hiện nay, nhìn chung về tổng thể vẫn còn gặp nhiều khó khăn về trình độ công nghệ, năng lực chế biến. Cụ thể, trình độ và năng lực công nghệ chế biến thủy sản đạt “Trung bình tiên tiến” với tổng điểm đánh giá là 70,9 và hệ số mức đồng bộ đạt 0,67; trong đó: Tỷ lệ doanh nghiệp đạt trình độ và năng lực tiên tiến là 4,4%; tập trung ở các doanh nghiệp quy mô lớn; tỷ lệ doanh nghiệp đạt trình độ và năng lực trung bình tiên tiến là 11,1%; tập trung ở nhóm các doanh nghiệp quy mô lớn; tỷ lệ doanh nghiệp đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình là 26,7%; phân bố ở 3 nhóm quy mô (lớn, vừa, nhỏ); tỷ lệ doanh nghiệp đạt trình độ và năng lực công nghệ lạc hậu là 57,8%; tập trung ở nhiều doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ.
Dự báo nhu cầu thủy sản thế giới và nội địa ngày càng gia tăng. Trong khi đó, chế biến đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài việc đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng tại thị trường xuất khẩu thì các sản phẩm chế biến thủy sản có thời gian bảo quản lâu dài nên giảm được tổn thất khi chưa thể xuất khẩu ngay. Vì vậy, để nâng cao trình độ và năng lực chế biến, một số giải pháp trọng tâm được đề xuất như sau:
Đối với cơ sở chế biến thủy sản cũ, lạc hậu: Tập trung đầu tư nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị chế biến, hệ thống cấp nước, nước đá, xử lý nước thải đảm bảo điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm.
Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào quá trình chế biến, bảo quản thủy hải sản như: công nghệ cấp đông siêu tốc, sấy chân không thăng hoa, công nghệ enzyme.
Đẩy nhanh cơ giới hóa, tự động hóa dây chuyền chế biến nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng.
Đẩy mạnh áp dụng chương trình quản lý chất lượng ISO 22000, HACCP trong các nhà máy chế biến; áp dụng tiêu chuẩn quốc tế Codex, ISO, BRC-food, Halal… vào sản xuất và công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
Tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề đáp ứng yêu cầu vận hành công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại.
Tại hội nghị các đại biểu cũng được nghe giới thiệu Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 – 2030; Đề xuất tiêu chí đánh giá năng lực chế biến nông sản. Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để các đại biểu tham gia thảo luận những nội dung liên quan và ghi nhận góp ý trong việc xây dựng năng lực chế biến nông sản.