(TSVN) – Đại dịch COVID-19 trong hai năm qua đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản. Trước tình hình đó, Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan và các địa phương đã ban hành, đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người nuôi, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ngày 22/10/2021, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương ven biển về “Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng an toàn, phòng, chống dịch COVID-19 và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm”. Tại đây, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, để hoạt động khai thác thủy sản an toàn, thích ứng an toàn, phòng, chống dịch COVID-19, Tổng cục yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp gồm: Tổ chức sản xuất; hoàn thiện thể chế, chính sách và thực thi pháp luật cũng như quy định phòng, chống dịch trong tình hình mới; trong đó, tập trung đảm bảo an toàn phòng dịch trong quá trình tổ chức sản xuất trên biển, tại các cảng cá và các cơ sở thu mua, chế biến. Tiếp tục triển khai các chính sách trong lĩnh vực khai thác thủy sản và chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. Áp dụng linh hoạt các giải pháp phòng, chống dịch để đảm bảo chuỗi cung ứng khai thác thủy sản an toàn, hiệu quả, đặc biệt đảm bảo an toàn dịch bệnh tối đa cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản hoạt động bình thường.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, phục hồi sau dịch COVID-19 không thể ngay và luôn nhưng phải tập trung cao nhất để đạt sản lượng và giá trị xuất khẩu. Đồng thời, đề nghị Hội Nghề cá Việt Nam, VASEP, các doanh nghiệp, ngư dân đồng hành cùng Bộ với quyết tâm cao nhất để đảm bảo giá trị xuất khẩu tăng cao. Các tỉnh, thành tích cực, tập trung chú ý các nội dung cốt lõi như: quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc, thực thi pháp luật, chuyển đổi nghề và những nội dung trong phòng, chống khai thác IUU. Chuẩn bị không gian tái cơ cấu khai thác thủy sản, trong đó có cả khai thác và bảo tồn, nuôi trồng. Từ đó, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách có hiệu lực, hiệu quả để khắc phục những tồn tại, giải quyết các yếu kém và phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng ngành thủy sản.
Đẩy mạnh phục hồi sản xuất, dồn lực cho mục tiêu cuối năm. Ảnh: Phan Thanh Cường
Để giúp cho ngành cá tra hoạt động ổn định trở lại, ngày 25/9/2021, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội”. Tại đây, đại diện Tổng cục Thủy sản nhận định, để hoạt động sản xuất NTTS của cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng ổn định và không đứt gãy, Chính phủ cần ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao như tài xế vận chuyển, thương lái thu mua, nhân công thu hoạch và chế biến. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành liên quan cần phối hợp nghiên cứu, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện “4 tại chỗ” nhằm sớm khôi phục hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Tiếp đó, tại Thông báo 6552/TB-BNN-VP ngày 11/10/2021 về ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại Hội nghị; Bộ NN&PTNT giao Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh khu vực ĐBSCL, VASEP, Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổng hợp số lao động cần ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 đang tham gia các công đoạn trong chuỗi sản xuất, kinh doanh cá tra và các chuỗi nông sản khác, để đề xuất Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia ưu tiên cung cấp đủ vaccine phòng COVID-19 cho địa phương theo nhu cầu. Các Sở NN&PTNT hướng dẫn người nuôi giảm mật độ nuôi, giảm bớt các chi phí không cần thiết để hạ giá thành, tăng cường liên kết chuỗi, kiểm soát tốt chất lượng, ATTP của sản phẩm. Đồng thời, các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi ngành hàng cá tra chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh dựa trên thông tin, hướng dẫn của ngành y tế; tích cực xây dựng thương hiệu và chiến lược thích ứng, phát triển lâu dài, bền vững.
Trước đó, ngày 16/7, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và Triển khai Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” với 28 tỉnh, thành phố ven biển toàn quốc. Theo đó, để duy trì thành quả đã đạt được, vượt qua thách thức, bảo đảm cho ngành tôm phát triển bền vững, đạt mục tiêu xuất khẩu 3,8 – 4 tỷ USD; Bộ NN&PTNT đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành tôm năm 2021, trong đó: Tiếp tục triển khai có hiệu quả thực hiện Luật Thủy sản 2017, đặc biệt là quan tâm chỉ đạo triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, TTCT). Triển khai hiệu quả một số đề án, chương trình đã phê duyệt như: Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo; nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất NTTS bền vững. Quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư thủy sản; kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản, đặc biệt là thức ăn cho tôm, ổn định sản xuất; tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.
Ngày 28/7/2021, Bộ NN&PTNT có Công văn số 4713 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất, thủy sản các tháng cuối năm 2021. Theo đó, Bộ yêu cầu tập trung phát triển sản xuất thủy sản, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tiếp tục đẩy mạnh phát triển khai thác, NTTS, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ, nuôi cá tra các tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch sản xuất. Đồng thời phát triển sản xuất các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và các loài cá bản địa, đặc hữu để phát huy tiềm năng lợi thế tự nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Hướng dẫn và động viên ngư dân tổ chức khai thác thủy sản trên biển an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi, khuyến cáo kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, ứng phó khi môi trường nuôi có diễn biến bất lợi. Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu cá hoạt động khai thác, ra, vào cảng (hoặc bố trí địa điểm phù hợp trong trường hợp cảng cá thực hiện phong tỏa phòng, chống dịch); bốc, dỡ thủy sản và hàng hóa bảo đảm an toàn dịch bệnh và ATTP…
Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch thực hiện. Theo đó, giao Tổng cục Thủy sản hướng dẫn địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS, nhằm vừa đảm bảo về phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy nhanh phục hồi sản xuất; tăng cường quản lý NTTS, hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của COVID-19. Tổng cục Thủy sản hỗ trợ người nuôi phục hồi sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Với khai thác hải sản, Tổng cục Thủy sản dự báo ngư trường, tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hướng dẫn, tham mưu chỉ đạo sản xuất vụ cá Bắc và hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất an toàn, hiệu quả.
Cùng với đó, Cục Thú y sẽ phải tập trung các nguồn lực và khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh trên thủy sản, hạn chế tối đa thiệt hại, bảo đảm sản lượng thủy sản. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thường xuyên tổng hợp và cập nhật tình hình sản xuất, cân đối cung cầu nông sản đáp ứng nhu cầu tăng cao vào những tháng cuối năm, dịp lễ, Tết; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để nắm bắt thông tin thị trường, thông tin kịp thời đến địa phương, doanh nghiệp các cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu. Cùng đó, cung cấp các thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định EVFTA, UKVFTA; đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường EU trong bối cảnh Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Ngọc Ngọc