(TSVN) – Với việc tăng 5,7% giá trị xuất khẩu so với năm 2020 và vượt 4,6% so với kế hoạch cả năm, ngành thủy sản đã thoát hiểm ngoạn mục, đóng góp rất lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho biết, ước năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 3,01% so với năm 2020; tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so năm 2020; trong đó sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9%, nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1%.
Cùng đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 rất ấn tượng khi ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2020 và vượt 4,6% so kế hoạch. Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản (685,2 triệu USD), tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 9,57 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2020.
Về nuôi trồng, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2021 ước đạt 1,3 triệu ha (bằng năm 2020), trong đó: Diện tích nuôi tôm nước lợ 737 nghìn ha, cơ bản không tăng so với năm 2020 (diện tích nuôi tôm sú 622 nghìn ha, nuôi tôm thẻ chân trắng 115 nghìn ha). Ước sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2021 đạt 931 nghìn tấn (tăng 5,5% so với năm 2020), trong đó sản lượng tôm sú đạt 265 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng 666 nghìn tấn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Văn Thọ
Năm 2021, tổng diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700 ha, bằng cùng kỳ năm 2020; Sản lượng đạt 1,484 triệu tấn, giảm 4,5% so với năm ngoái. Cùng đó, nuôi biển với khoảng 8.000 nghìn m3 lồng, tổng sản lượng 648 nghìn tấn, tăng 8% so với năm 2020, trong đó: Cá biển 38 nghìn tấn; tôm hùm 2,1 nghìn tấn; nhuyễn thể 380 nghìn tấn; đối tượng khác 228 nghìn tấn.
Về khai thác, năm 2021, tổng sản lượng khai thác ước khoảng 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 2020, trong đó: Sản lượng khai thác biển là 3,727 triệu tấn, tăng 1,0% so với năm 2020; sản lượng khai thác nội địa 0,195 triệu tấn.
Tại Hội nghị, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhấn mạnh: Năm 2021, mặc dù nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng toàn ngành đã thực thi nhiều giải pháp linh hoạt để vượt qua khó khăn. Kết quả, tổng giá trị sản xuất của ngành đã tăng 3,01% so với năm 2020. Năm nay, ngành thủy sản có tới 4 – 5 tháng quan ngại về sản xuất, xuất khẩu. Tại thời điểm đến hết tháng 10/2021, toàn ngành chỉ đưa ra dự báo xuất khẩu cả năm đạt khoảng 8,4 – 8,6 tỷ USD. Tuy nhiên, giai đoạn các tháng cuối năm tình hình khởi sắc rõ rệt. Đặc biệt, tính riêng tháng 11, xuất khẩu thủy sản đạt trên 910 triệu USD, dự kiến tháng 12, trị giá xuất khẩu thủy sản cũng ước đạt tới 900 triệu USD. Có thể nói, năm nay ngành thủy sản đã thoát hiểm ngoạn mục.
Năm 2021, tổng sản lượng ngành thủy sản có tăng nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó sản lượng khai thác tiếp tục tăng mặc dù không tăng về số lượng tàu cá dẫn đến việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển thủy sản (giảm dần số lượng tàu cá và sản lượng khai thác) sẽ khó khăn hơn. Cùng với đó, mặc dù có tăng so với năm 2020, song một số chỉ tiêu về nuôi trồng thủy sản không đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, sản lượng tôm sú chỉ đạt 94,5% kế hoạch; tôm thẻ chân trắng đạt 99,2% và cá tra chỉ hoàn thành được 96,1% mục tiêu đặt ra từ đầu năm.
Nguyên nhân được cho là do đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế – xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản do nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại các thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh.
Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 diễn ra ngày 24/12 vừa qua tại Hà Nội. Ảnh: Văn Thọ
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản; giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây (trong đó giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020) ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thủy sản nước ta.
Cùng đó, Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta vào thị trường EU. Tình hình an ninh trật tự trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã có những đóng góp ý kiến rất sát tình hình, nhằm giúp ngành thủy sản khắc phục các hạn chế.
Ông Vũ Văn Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho rằng, ngành thủy sản cần có giải pháp cụ thể nhằm đạt mục tiêu giảm sản lượng khai thác, tránh tình trạng kế hoạch đặt ra giảm nhưng tổng kết cuối năm sản lượng vẫn tăng.
Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng: Ngành thủy sản cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề giá thành, trong đó, nòng cốt là con giống, vì tỷ lệ sống sót của con giống, nhất là đối với tôm và cá tra, mang tính quyết định đối với giá thành, thêm nữa là vấn đề hội nhập. 10 năm qua, lĩnh vực xuất khẩu với sự tham gia của tôm thẻ chân trắng đã tạo giá trị rất lớn cho ngành. Vậy trong chiến lược mới, chúng ta cần nhận diện để có một nhân tố mới, nhằm tạo sức bật mới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nhấn mạnh: Bộ NN&PTNT đánh giá rất cao kết quả đạt được của ngành thủy sản trong năm qua, một năm rất nhiều khó khăn. Thời gian tới, ngành thủy sản cần mạnh mẽ hơn nữa. Chiến lược và Đề án ngành thủy sản đã được ban hành, trong thực hiện triển khai phải tư duy theo hệ thống, hành động quyết liệt và đồng bộ để tạo sự chuyển biến trong tổ chức sản xuất và xuất khẩu. Về nuôi trồng thủy sản, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm chất lượng con giống, đồng thời kiểm soát tốt hạn ngạch thủy sản khai thác.
Thu Hồng