T4, 29/12/2021 02:13

Xuất khẩu thủy sản 2021: Cú lội ngược dòng ngoạn mục

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, xuất khẩu nông, lâm thủy sản năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD, với 6 mặt hàng trên 3 tỷ USD. Xếp ở vị trí “á quân”, xuất khẩu thủy sản cũng đã vượt qua 3 tháng “đóng băng” do COVID-19, trở mình ngoạn mục đưa về giá trị kim ngạch 8,9 tỷ USD.

Doanh nghiệp gặp nhiều “sóng dữ”

Nhìn lại năm 2021, ngành thủy sản đã gồng mình chống chọi với những biến cố chưa từng có như biến thể Delta lan rộng ở các tỉnh ĐBSCL, chuỗi cung ứng xuất khẩu tê liệt trong khi giá cước vận tải, thức ăn thủy sản tăng kỷ lục… Cùng đó là những yếu tố kiểm dịch, rào cản thương mại từ các thị trường nhập khẩu cũng cản đường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp ngành thủy sản, 2021 là một năm thử sức thực sự đối với bản lĩnh của họ, khi phải đương đầu với quá nhiều bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi dịch COVID-19 lan rộng ở các tỉnh ĐBSCL từ thời điểm tháng 5/2021, doanh nghiệp buộc phải giảm công suất, thậm chí đóng cửa vì có ca nhiễm COVID-19 hoặc không đủ điều kiện “3 tại chỗ”. Do đây là biến cố chưa từng có trong tiền lệ nên các quy định phòng, chống dịch của các địa phương khu vực phía Nam nên trong giai đoạn đầu còn khá lúng túng, chồng chéo khiến doanh nghiệp bất lực, cạn kiệt tài chính. Điển hình như cuối tháng 7/2021, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu, cụm công nghiệp vì phát sinh ca nhiễm COVID-19 trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ”. Từ đó, khiến các doanh nghiệp ngoài việc lên phương án tổ chức sản xuất và phòng, chống dịch còn phải tốn thêm hàng tỷ đồng chi phi phát sinh để có thể duy trì hoạt động.

Không chỉ vậy, khó khăn cho các doanh nghiệp càng tăng thêm khi do ảnh hưởng của dịch nên chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn khiến tôm, cá trong ao của người nuôi thì không thu mua được; còn doanh nghiệp thì lại lâm vào tình cảnh thiếu hụt nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Theo thống kê, có đến 70% doanh nghiệp đóng cửa đã khiến đầu ra của thủy sản ĐBSCL ứ đọng. Tình hình càng thêm căng thẳng khi các địa phương “ngăn sông, cách chợ”, doanh nghiệp không thể vào thu hoạch, thu mua cá trong khi giai đoạn tháng 8,9 là cao điểm. Hàng chục nghìn tấn cá tra quá lứa tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long… nằm chờ dưới ao vì công đoàn thu hoạch không được cấp giấy đi đường từ nhà đến nơi sản xuất cá. Điều này khiến giá cá tra giảm từ 500 – 1.000 đồng/kg, dao động 21.000 – 22.000 đồng/kg, cá càng to, nông dân, doanh nghiệp càng lỗ nặng.

Là nhà xuất khẩu tôm số 1 của Việt Nam cũng như thương hiệu hàng đầu trên thế giới, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng gặp không ít trở ngại. Như chia sẻ của Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Lê Văn Quang bày tỏ, Công ty muốn tăng công nhân, muốn sản xuất, đơn hàng vẫn có nhiều mà không làm được; công nhân không đi làm, không có lương cũng rất khổ. Cùng đó, nếu doanh nghiệp không giao kịp hàng, đối tác có thể chuyển sang mua của Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan, nghĩa là Minh Phú mất khách hàng, thị trường và rất khó có thể khôi phục lại.

Nếu như biến thể Delta bùng phát mạnh ở các tỉnh ĐBSCL được coi là đòn giáng chí mạng đến các doanh nghiệp thủy sản thì chi phí logistics tăng kỷ lục lại là cơn ác mộng dai dẳng từ cuối năm 2020. Đại diện VASEP cho biết, ở góc độ logistics, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đối mặt với “5 tăng”. Đó là tăng cước tàu, tăng thời gian vận chuyển đường biển, tăng đơn hàng đặt chỗ, tăng hoãn đơn hàng, tăng các loại phí. Điều này tạo áp lực cho doanh nghiệp khi xuất khẩu các đơn hàng đã ký trước đó. Cụ thể, cước vận tải biển đi Mỹ cuối năm 2020 cao nhất là 3.000 USD/container nhưng hiện nay bờ Đông tăng lên 17.000 USD/container, bờ Tây khoảng 13.000 – 14.000 USD/container. Cước tàu đi châu Âu dao động 12.000 – 14.000 USD/container. Tương tự, cước tàu đi Trung Đông dao động 10.000 – 11.000 USD/container, tăng 7 lần so cùng kỳ năm 2020. Có thể thấy, logistics “5 tăng” đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm sẽ phải gánh thêm một loại chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam với các đối thủ như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan…

Vượt “bão COVID”, về đích thành công

Trước vô vàn khó khăn đó, nhưng ngành thủy sản nói riêng nông nghiệp nói chung đã nhận được sự quan tâm và vào cuộc quyết từ các cấp Bộ, ngành, địa phương chung tay tháo gỡ, giúp doanh nghiệp và người dân đã nhanh chóng tận dụng được cơ hội, xoay chuyển tình thế theo phương châm thích ứng an toàn linh hoạt.

Minh chứng cho thấy, trong lúc doanh nghiệp “mắc cạn” với quy định chống dịch cứng nhắc của các địa phương, Chính phủ kịp thời thay đổi quan điểm chống dịch từ “Zero COVID” chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19; đây chính là “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”. Tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp đã dần lấy lại đà tăng trưởng cả về doanh thu bán hàng và lợi nhuận. Như tại Công ty CP Vĩnh Hoàn, doanh thu xuất khẩu tháng 11/2021 đạt 912 tỷ đồng, tăng 38% so cùng kỳ năm trước và tăng 17% so tháng 10.  Lũy kế 11 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 7.811 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ năm 2020. Hay với Công ty CP Gò Đàng cũng đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 80 triệu USD. Năm 2022 Công ty đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu lên 100 triệu USD. Dịch bệnh đã giúp các doanh nghiệp tích lũy cho mình thêm nhiều kinh nghiệm trong điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, luôn chủ động cho những rủi ro có thể xảy ra.

Với những nỗ lực, quyết tâm cao của toàn ngành, nhất là sự nhanh nhạy, linh hoạt thích ứng từ các doanh nghiệp đã mang lại kỳ tích, ngành thủy sản đã vượt “vũ môn” về đích thành công với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 8,9 tỷ USD, tăng 6% so năm 2020, vượt gần 5% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, 2022 vẫn được nhận định là một năm còn có nhiều khó khăn cho ngành thủy sản. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu vẫn mong chờ một cơ chế chính sách có tính chất khoa học, sát sườn với nhu cầu của doanh nghiệp để các tỉnh, thành xây dựng cơ sở hỗ trợ. Đồng thời, Chính phủ cần có những hướng dẫn quy hoạch vùng, dự trữ kho lạnh… đây là những yếu tố đầu vào cho sản xuất thực phẩm; giúp doanh nghiệp chủ động hơn về nguồn nguyên liệu, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.

>> Năm 2021 ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng phải trải qua hai chữ “biến”, đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Nhưng toàn ngành đã về đích thành công, điều này minh chứng cho sự năng động, thích ứng nhanh nhạy trong bộ máy quản lý chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp, hội ngành hàng, người nông dân. Sự kết nối các ngành hàng, doanh nghiệp để giữ vững thị trường, góp phần phục hồi nhanh những tháng cuối năm và kỳ vọng  cho những mục tiêu lớn trong năm 2022.

An An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!