(TSVN) – Sáng nay, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2021 và Triển khai kế hoạch năm 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu chính Hà Nội và trực tuyến tới nhiều đơn vị trực thuộc Bộ cùng các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2021 giá trị gia tăng toàn ngành ước tăng khoảng 2,85 – 2,9%; trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu đặt ra.
Con số này tăng mạnh 14,9% so với năm 2020. Trong đó, nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%. Tiếp tục có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD (thêm 1 mặt hàng là thức ăn gia súc và nguyên liệu), trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 14,81 tỷ USD; tôm trên 3,85 tỷ USD; rau quả trên 3,52 tỷ USD; hạt điều 3,66 tỷ USD; gạo trên 3,27 tỷ USD; cao su trên 3,31 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành 6,44 tỷ USD, giảm 40,8% so với năm 2020.
Năm 2022, toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chỉ tiêu cơ bản năm 2022 của ngành là: Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 2,8 – 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 2,9 – 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 49 tỷ USD.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Với mức tăng trưởng dương, vượt 6,6 tỷ USD so với kế hoạch, thu đủ chi, xuất đủ nhập, trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. “Nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực”, những chuyển biến, vai trò, nhận thức về tầm quan trọng của nông nghiệp đã được nâng cao. Người nông dân Việt Nam đã biết làm giàu từ bàn tay, khối óc, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh những thành tích đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh với những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Đó là việc ngành nông nghiệp vẫn chưa được phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, vẫn còn thụ động, phụ thuộc thị trường, thời tiết và nhiều yếu tố khác. Công tác dự báo thị trường, biến đổi khí hậu… còn hạn chế. Ứng dụng khoa học công nghệ hay chuyển đổi số chưa đi vào chiều sâu; chưa chủ động thích ứng linh hoạt với diễn biến mới, tình hình mới. Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc một số thị trường. Một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tính quốc tế. Việc chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc còn khó khăn, xuất khẩu còn mất cân đối…
Từ những tồn tại, hạn chế này, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp cần “mổ xẻ”, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân để khắc phục trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, nâng cao tầm dự báo chiến lược một cách kịp thời để tổ chức thực hiện thiết thực hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
“Muốn thực hiện được như vậy, ngành nông nghiệp cần đặt mục tiêu cao hơn, đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 3%, xuất khẩu cao hơn, cần quyết tâm đặt ra xuất khẩu năm 2022 trên 50 tỷ USD. Trụ đỡ mà thụt lùi thì đất nước thụt lùi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Ngành nông nghiệp đã phát huy được giá trị, đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội bị ảnh hưởng bởi những biến cố như dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Thành tích của ngành nông nghiệp trong năm 2021 đến từ sự đồng hành của toàn xã hội, sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước.
Đồng thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan hứa sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2021. Trong đó, tăng hàm lượng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp… sẽ là những định hướng chính của toàn ngành trong năm tới.