T5, 30/12/2021 09:42

Đã đến lúc khai thác hải sản cần thời hạn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Từ một vùng biển “giàu có”, biển Việt Nam đang ngày một nghèo đi khi số lượng tàu cá tăng mạnh cả về số lượng và công suất. Để phát triển hài hòa giữa khai thác và bảo vệ nguồn lợi, ngành thủy sản đã đưa ra nhiều quy định, giải pháp, thế nhưng, cái thiếu ở đây vẫn là một thời hạn cấm khai thác để “biển nghỉ”.

Vẫn thiếu trong Luật

Với hơn 3.260 km bờ biển, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, 114 cửa sông, 12 dầm phá, 50 vũng/vịnh ven bờ biển đã tạo cho nước ta có sự đa dạng về sinh thái và nguồn lợi thủy sản, thúc đẩy hoạt động khai thác và phát triển kinh tế thủy sản.

Trong những năm qua, ngành thủy sản đã phát triển tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, ngành hàng này đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có sự suy giảm nguồn lợi đang ngày một nhanh.

Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Hải sản, nguồn lợi hải sản đang có tốc độ suy giảm rất mạnh. So với giai đoạn 2011 – 2015 thì tổng trữ lượng các nhóm nguồn lợi chủ yếu trong giai đoạn 2016 – 2019 thấp hơn 9,4% tương đương 410.000 tấn. Trong đó, nhóm nguồn lợi hải sản tầng đáy giảm 18,4%; nhóm cá nổi nhỏ giảm 7,3% và nhóm cá nổi xa bờ giảm 8,8%.

Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, hiện nay khai thác hải sản đã chạm ngưỡng bền vững. Mấy năm nay, cường lực khai thác tăng nhưng sản lượng không tăng khiến hiệu quả khai thác hải sản giảm. Cùng đó, tỷ lệ khai thác cá non cao, xuất hiện ở hầu hết các loài và các nghề, đặc biệt là nghề lưới kéo, vây.

Trong Luật Thủy sản 2013 hay Luật Thủy sản mới nhất là 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật đã quy định rất nhiều về giấy phép khai thác, số lượng tàu, vùng biển…; thế nhưng, điều cần thiết vào thời điểm này là thời hạn trong khai thác vẫn chưa được đề cập. Bởi không có quy định nên hiện nay nhiều tàu cá vẫn khai thác đều đặn các tháng trong năm mà không “chừa” thời gian cho cá sinh sản hay con non phát triển.

Bình Thuận tiên phong

Tỉnh Bình Thuận nổi tiếng với nhiều loài hải đặc sản, vùng biển của tỉnh được coi là nơi có nguồn lợi nhuyễn thể hai mảnh vỏ và các loại ốc có giá trị cao. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức đang khiến cho nhiều loài thủy sản đứng vào hàng nguy cấp.

Hàng năm, từ tháng 4 đến cuối tháng 7 là thời điểm các loài hải đặc sản vào mùa sinh sản. Thế nhưng, tình trạng khai thác hải sản non và hải sản đang trong thời gian sinh sản, giã cào bay hoạt động sai tuyến diễn ra thường xuyên khiến nguồn lợi này ngày càng cạn kiệt. Cùng đó, hệ sinh thái và nền đáy biển bị tàn phá, cào xới làm mất đi sinh cảnh, nơi sinh sống, sinh sản, nơi kiếm ăn của nhiều loại thủy sản. Một số khu vực bãi rạn san hô, rạn đá ngầm, thảm rong và cỏ biển có tính đa dạng sinh học cao bị xâm hại thường xuyên. Môi trường, hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng, nhiều loài có mức độ nguy cấp và nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.

Vì vậy mà từ nhiều năm nay, tỉnh đã ra quyết định cấm khai thác hải đặc sản trong 4 tháng (từ ngày 1/4 đến 31/7 hàng năm). Cụ thể, trong thời gian đó, Sở NN&PTNT Bình Thuận sẽ ra thông báo cấm toàn bộ hoạt động khai thác các loài hải đặc sản (nhuyễn thể hai mảnh vỏ và các loại ốc) trên toàn vùng biển Bình Thuận gồm các loài: sò lông, điệp, dòm nâu, bàn mai, nghêu lụa. Để hoạt động cấm được thực hiện nghiêm ngặt, trong thời gian này, tỉnh cũng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân, tổ chức thu mua, vận chuyển, chế biến và kinh doanh các loài hải đặc sản nêu trên. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, nghề lưới kéo đôi (giã cào bay) công suất lớn hơn 150 CV/chiếc cũng bị cấm hoạt động khai thác trên toàn vùng biển trong tỉnh thời gian này.

Mặc dù theo đại diện ngành thủy sản tỉnh thì vẫn có những vi phạm xảy ra vì nhiều lý do khác nhau, thế nhưng, đây là cơ sở để tỉnh dần đưa khai thác vào quỹ đạo song hành với bảo vệ nguồn lợi. Điều này không chỉ giữ lại hình ảnh đẹp – giàu cho vùng biển mà còn tạo ra sinh kế lâu dài cho ngư dân, rất đáng để các địa phương quan tâm và làm theo.

 

>> Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận nhận định, việc thực thi pháp luật nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước là không đủ, không mang lại hiệu quả cao nếu thiếu vai trò của người dân. Điều này được chứng minh thực tế mô hình đồng quản lý, khai thác nguồn lợi sò lông ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam. Sắp tới, tỉnh sẽ nhân rộng mô hình cho các địa phương có tiềm năng và điều kiện.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!