Đa dạng liên kết phát triển chuỗi sản phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Phát triển đa dạng liên kết là một trong những kết quả nổi bật của ngành thủy sản trong năm 2021 để toàn ngành ngoạn mục, vượt qua đại dịch COVID-19 cũng như mở ra thời kỳ mới từ đầu năm 2022 với nhiều triển vọng và thời cơ mới.

Xây dựng thương hiệu tôm giống với công nghệ 4.0

Tỉnh Ninh Thuận – trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất nước ta với hơn 450 cơ sở, tổng công suất bể ương hơn 150.000 m3, chủ yếu TTCT và tôm sú. Hàng năm, Ninh Thuận sản xuất 35 – 40 tỷ con tôm giống, đáp ứng trên 30% nhu cầu cả nước. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho biết, năm 2021, tổ chức kiểm dịch xuất đi các tỉnh, thành 62.142 lô hàng với 35,47 tỷ con tôm giống; trong đó 27,76 tỷ con TTCT và 7,71 tỷ con tôm sú. Bên cạnh, kiểm dịch xuất đi các tỉnh 6,72 tỷ TTCT, 15.419 con tôm bố mẹ (11.070 TTCT, 4.349 tôm sú).

Từ 3 năm nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đã đưa lên trang web ngày giờ xuất đi từng lô tôm giống để người dân cả nước mua tôm giống của Ninh Thuận có thể theo dõi. Năm 2021, việc cung cấp thông tin của Chi cục chi tiết hơn, gồm danh sách các lô tôm bố mẹ trong thời hạn sinh sản; thời điểm nhập đàn tôm; tên cơ sở sản xuất, nguồn gốc, số lượng tôm bố mẹ, số giấy chứng nhận kiểm dịch. Những thông tin này giúp cho người nuôi tôm thương phẩm, cơ quan quản lý nơi tôm giống đến dễ dàng xác minh nguồn gốc.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận Nguyễn Khắc Lâm cho biết, trong quá trình phối hợp quản lý, Ninh Thuận thường nhận được thông tin đề nghị hỗ trợ từ các tỉnh nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL để làm rõ những trường hợp tôm giống không rõ nguồn gốc. Một số tỉnh như Long An, Sóc Trăng đề nghị xác minh các trường hợp nhãn hiệu bao bì không trùng khớp với giấy chứng nhận kiểm dịch, xác minh cơ sở sản xuất ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch, Ninh Thuận xác minh, trả lời rõ ràng. Ông Lâm nhấn mạnh, công khai thông tin để phát triển liên kết giữa các địa phương nhằm từng bước xây dựng thương hiệu tôm giống Ninh Thuận có uy tín cao, góp phần xây dựng chuỗi sản phẩm tôm Việt Nam.

Tăng cường liên kết, tạo tư duy mới để ngành thủy sản phát huy thế mạnh và phát triển bền vững. Ảnh: LHV

Kinh tế tuần hoàn nâng giá trị cá tra

Lần đầu tiên, tỉnh An Giang và Công ty CP Vĩnh Hoàn phối hợp xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn nâng cao giá trị cá tra và bảo vệ môi trường. Hoạt động này dựa trên cơ sở tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã hợp tác quy hoạch xây dựng một vùng nuôi cá tra giống.

Tỉnh An Giang và Đồng Tháp có lợi thế hàng đầu trong ngành hàng cá tra, bởi ở đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền. Hai tỉnh đã thống nhất trình Bộ NN&PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chung cho Dự án liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao trên cồn Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, An Giang) và cồn Chính Sách (xã Thường Phước 1, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) giữa sông Tiền, khu vực cá tra sinh sản tự nhiên từ xưa. Dự án rộng 500 ha, vốn đầu tư 350 tỷ đồng nhằm sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, cung cấp cho cả ĐBSCL.

Từ đó, Công ty CP Vĩnh Hoàn ở tỉnh Đồng Tháp thành lập Công ty TNHH Sản xuất giống cá tra Vĩnh Hoàn đặt trụ sở tại thị xã Tân Châu để triển khai Dự án sản xuất giống cá tra 3 cấp ứng dụng công nghệ cao ở cồn Vĩnh Hòa. Dự án có quy mô 48,3 ha, mục tiêu sản xuất hàng năm 1,6 tỷ con cá hương và 30 triệu con cá tra giống.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn cho biết, dịch bệnh còn phức tạp nhưng Công ty sẽ hoàn thành Dự án sớm nhất có thể. Theo tiêu chuẩn kinh tế tuần hoàn, nuôi công nghệ cao, có nhà máy sản xuất thức ăn công suất 350.000 tấn/năm và tất cả chất thải cùng phế phẩm được dùng chế biến phân bón hữu cơ nên có thêm nhà máy chuyên sản xuất phân bón hữu cơ. “Cùng với xuất khẩu cá tra, Vĩnh Hoàn đang chuẩn bị chương trình cá tra nội địa với dự kiến 10 – 12 sản phẩm, là những sản phẩm cá tra tốt nhất cho người Việt Nam”, bà Khanh bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cũng đề nghị các doanh nghiệp khác hãy vượt qua đại dịch bằng liên kết tạo nên nhiều giá trị, kể cả việc đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời trên ao nuôi, nhà máy để tăng hiệu quả kinh tế.

Hợp tác chiến lược phát triển chuỗi giá trị tôm

Ngày 9/12/2021, Tập đoàn PAN và Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác chiến lược cam kết hỗ trợ nhau mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh ngành tôm, thúc đẩy phát triển bền vững các chuỗi giá trị. Tập đoàn PAN với thế mạnh về nuôi và chế biến tôm chất lượng cao, ưu tiên sử dụng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm của C.P. Việt Nam. Còn C.P. Việt Nam với thế mạnh về sản xuất tôm giống và thức ăn cho tôm, cam kết hỗ trợ kịp thời và đầy đủ cho vùng nuôi của các công ty thành viên Tập đoàn PAN.

Hai tập đoàn cũng cam kết hỗ trợ Công ty CP Thực phẩm Sao Ta mở rộng vùng nuôi tôm, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Sự hợp tác chiến lược ở đây có nền tảng khá vững chắc, bởi Sao Ta là thành viên của PAN, còn C.P. Việt Nam thì từ tháng 10/2021 đã sở hữu 25% cổ phần tại Sao Ta.

Hiện nay, Sao Ta đã có vùng nuôi đạt chuẩn ASC lớn nhất nước ta, sử dụng thành công chế phẩm sinh học trong nuôi tôm và có các nhà máy chế biến. Hợp tác chiến lược sẽ nâng cao giá trị hơn nữa, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi trồng, chế biến.

Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc C.P. Việt Nam bày tỏ luôn đề cao những thành quả Sao Ta đã đạt được thời gian qua. “Chúng tôi tin tưởng năng lực và tầm nhìn của ban lãnh đạo Sao Ta. Hợp tác chiến lược chắc chắn sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng để góp sức hoàn thành mục tiêu Chính phủ đặt ra cho ngành tôm vào năm 2025”, ông Montri Suwanposri nói với niềm hy vọng lớn.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!