(TSVN) – Trong hoàn cảnh đất nước và thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển. Chính nhờ đóng góp nổi bật của trụ cột này mà đời sống của người dân ở nông thôn và nhiều ngành nghề khác cũng trở nên ổn định hơn.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 2/12/2021 cho biết, giá lương thực thế giới đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ số giá ngũ cốc tháng 11/2021 đã tăng 3,1% so với tháng trước và cao hơn 23,2% so với năm 2020. Giá đường toàn cầu tăng gần 40% so cùng kỳ năm ngoái. Tình cảnh này đã khiến cho 43 quốc gia đang khủng hoảng vì nghèo đói càng thêm khó khăn.
Thế giới thật sự không chỉ đối diện với đại dịch COVID-19 mà còn phải đối diện với nguy cơ chưa từng có về đói nghèo và nhiều hệ lụy đi theo nó. Ngành nông nghiệp thế giới phải tăng 60% năng suất mới đủ phục vụ 9,3 tỷ người vào năm 2050.
Việt Nam được xem là một con rồng của châu Á đang đà tăng trưởng và phát triển về mọi mặt. Tuy vậy, trong một xã hội được hiện đại hóa và công nghiệp hóa, theo đuổi công nghệ 4.0 thì ngành nông nghiệp vẫn luôn được coi trọng, được quan tâm đặc biệt.
Trong bối cảnh cả thế giới “rung chuyển” vì COVID-19, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 2,74% và đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Ước cả năm, sản lượng lúa đạt khoảng 43,52 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2020; sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 5,67 triệu tấn, tăng 5,3%; sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,6 triệu tấn, tăng 2,4%.
Việc giữ vững hoạt động sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực, tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu lao động mà còn giúp duy trì xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp ước cả năm 2021 đạt gần 49 tỷ USD.
>> Năm 2021, có 10 nhóm mặt hàng của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su. |
Đại dịch COVID-19 dường như ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất tới các lĩnh vực như: du lịch, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại.
Một lãnh đạo của Khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nói: “Hai năm vừa qua do đại dịch, ngành du lịch hầu như không hoạt động, sinh viên ra trường khó tìm việc làm và lương rất thấp, rất nhiều em đã trở về quê để tìm công việc tạm thời”.
Các nhà máy tập trung đông công nhân, các khu trọ rất nhiều công nhân cũng là nơi xuất phát nhiều ổ dịch lớn. Anh Vũ Trọng, một chuyên gia phân tích kinh tế – xã hội từ Canada, nói: “Đại dịch COVID-19 nổ ra người ta mới thấy những vùng nông thôn thưa thớt dân cư và môi trường tốt chính là nơi trú ẩn an toàn cho con người. Tại các quốc gia, vùng nông thôn đều ít chịu ảnh hưởng đại dịch hơn so với các thành phố hàng chục triệu dân”.
Tại Việt Nam, đại dịch nổ ra cũng khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản hoặc rút lui khỏi thị trường. Thậm chí các hoạt động dịch vụ sầm uất cũng ngừng hoạt động. Chị Ly, một người buôn bán tại quận 7, TP Hồ Chí Minh cũng “rút lui” về ĐBSCL nửa năm nay hành nghề trồng hoa quả. Và chỉ trở lại thành phố làm ăn khi đại dịch lắng xuống.
Không phải ngẫu nhiên mà trong quý III/2021, mặc dù dịch bệnh diễn ra trên diện rộng ở 19 tỉnh, thành phía Nam, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn tăng 17,7%.
Các chuyên gia đều cho rằng dịch bệnh khiến tình trạng lương thực, thực phẩm thiếu hụt, các quốc gia đều thu gom nông sản để đảm bảo an ninh lương thực. Ngoài ra, việc tiêm vaccine và khống chế dịch bệnh tại nhiều quốc gia giúp các hoạt động thương mại dần được khôi phục.
Con số thống kê cho thấy, trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt trên 3,5 tỷ USD, tăng gần 3% so cùng kỳ; xuất khẩu cá tra đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 2,5%; xuất khẩu cá ngừ đạt 670 triệu USD, tăng 13% và xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 7%, đạt 543 triệu USD.
Xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2021 đạt trên 5,183 triệu tấn, trị giá 2,738 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng nhưng tăng 3,7% về giá trị. Trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,273 triệu tấn, trị giá 2,41 tỷ USD, giảm 5,1% về khối lượng nhưng giá trị tăng 4,1% so cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi là một hướng đi mới nhưng cũng đang gặt hái thành quả rất tích cực. 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 294,4 triệu USD, tăng 15,2% so cùng kỳ 2020.
Đại dịch COVID-19 làm cho giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, trong khi đó theo Cục Chăn nuôi, hiện 70 – 90% nguyên liệu để sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1 đến 15/10/2021, cả nước đã nhập khẩu 13.542.322 tấn lúa mì, ngô và đậu tương, trị giá 4,328 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2020, tăng 2,42% về lượng nhưng tăng đến 1,39 lần về giá trị. Kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng 29% so cùng kỳ năm 2020.
Theo tính toán, mỗi năm ngành chăn nuôi và thủy sản trong nước cần tới 32 – 33 triệu tấn thức ăn các loại, trong đó khoảng 26 triệu tấn phải nhập khẩu. Giá nguyên liệu tăng cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2022.
Giá ngô giao tháng 3/2022 tại Sở Giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã được báo giá cao hơn tới 35% so với hồi đầu năm 2021. Chưa kể chi phí vận chuyển các mặt tăng từ 200 – 300% so với thời điểm trước đại dịch.
Hiện vẫn có trên 60% dân số Việt Nam sinh sống ở khu vực nông thôn. Việc phát triển nông nghiệp giúp ổn định xã hội, đồng thời khai thác nguồn tài nguyên nông nghiệp dồi dào để phát triển đất nước. Ngành nông nghiệp hiện đang đóng góp 14,85% GDP của quốc gia, cung ứng thực phẩm cho gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu.
Tiềm năng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp là rất lớn trong thời gian tới. Theo báo cáo Triển vọng Lương thực được FAO công bố 2 lần/năm, chi phí nhập khẩu lương thực của thế giới, bao gồm cả chi phí vận chuyển, dự kiến đạt mức kỷ lục 1.715 tỷ USD trong năm 2021. Giá lương thực toàn cầu cũng đã đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ vào tháng 5/2021, tăng 40% so cùng kỳ một năm trước đó.
Còn nhớ, tại Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ 6 ngày 19/7/1960, Bác Hồ đã căn dặn: “Nước ta là một nước nông nghiệp, muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy nông nghiệp làm gốc. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở phát triển công nghiệp vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp làm ra”.
Với lợi thế về tài nguyên, con người, khoa học kỹ thuật, thị trường và thương hiệu, chắc chắn những năm tới ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế. Đặc biệt, phát triển nông nghiệp bền vững sẽ giúp đẩy mạnh nền kinh tế xanh, bảo vệ tốt môi trường.
Nguyên Anh
Bài viết của tác giả rất hay